Thời Phật Ca Diếp có một vị Tỳ-kheo trẻ tuổi, xướng tán rất hay. Khi cùng ở chung một chỗ với các vị Tỳ-kheo khác, thầy hay lộ vẻ kiêu ngạo, tự phụ giọng của mình thanh tao trong trẻo, và thấy mình phi thường, nổi bật.
Có một vị Tỳ-kheo lớn tuổi, giọng lại khàn đục, không giỏi tán xướng, cũng ở chung với đại chúng. Khi vị Tỳ-kheo trẻ nghe âm thanh tán xướng của vị Tỳ-kheo già, thầy bèn cười ngạo rằng giọng ấy không khác gì tiếng chó tru. Vị Tỳ-kheo già vốn là một vị thánh đã chứng quả A-la-hán, liền hỏi vị Tỳ-kheo trẻ rằng:
– Thầy có biết tôi không?
– Tôi biết thầy từ lâu rồi, thầy là vị Tỳ-kheo thượng thủ của Như Lai Ca Diếp.
Vị Tỳ-kheo già nói:
– Tuy không biết xướng tán nhưng tôi đã thoát được sự trói buộc của sinh tử và không còn chịu bất cứ khổ não nào của thế gian.
Vị Tỳ-kheo trẻ nghe thế thì hết sức hoảng sợ, cảm thấy hổ thẹn vô cùng, bèn xin sám hối với vị Tỳ-kheo già. Nhưng tính tội đã thành lập rồi, nên trong 500 kiếp sau đó thầy phải chịu khổ báo sinh ra làm người câm. Tuy nhiên, nhờ nhân lành đã từng xuất gia, về sau lúc Đức Thích-ca Mâu-ni xuất thế thì thầy được giải thoát.
Nhân duyên thầy được hóa độ diễn ra như sau:
Có 500 nhà buôn muốn đi du lịch xa, bèn kết bạn với nhau để cùng đi. Trong số đó có một người dắt theo một con chó để canh gác ban đêm. Đi được nửa đường, các nhà buôn ngủ nghỉ trong lữ điếm, con chó thấy chủ nhân ngủ say, bèn lén lấy trộm một miếng thịt ăn. Nhưng nhà buôn ấy thức dậy thấy được, nổi trận lôi đình, thế là chân đá tay đấm. Lửa sân ngùn ngụt, ông đánh con chó gãy cả bốn chân, vứt nó trong một cánh đồng hoang rồi bỏ đi nơi khác.
Lúc ấy, Ngài Xá-lợi-phất dùng thiên nhãn thông thấy con chó đau đớn không cùng, sắp chết vì đói khát, bèn đem cơm mà Ngài đã khất thực được đến bố thí cho nó ăn. Con chó giữ được chút tàn hơi, sung sướng vô ngần. Ngài Xá-lợi-phất lại thuyết diệu pháp cho chó nghe, và con chó nghe pháp xong liền tắt thở, rồi tái sinh trong một nhà Bà-la-môn ở thành Xá-vệ.
Một hôm, Ngài Xá-lợi-phất đi khất thực một mình, Bà-la-môn ấy trông thấy liền hỏi:
– Tôn giả đi có một mình, sao không có Sa-di theo hầu?
Ngài Xá-lợi-phất trả lời:
– Tôi không có Sa-di, nghe ông mới có một đứa con trai, có thể cho nó làm Sa-di đi theo tôi không?
Bà-la-môn trả lời:
– Con trai tôi tên là Quân Đề, hãy còn nhỏ lắm, chưa biết làm việc. Chờ nó lớn lên một chút, tôi sẽ cho nó đi theo Tôn giả.
Ngài Xá-lợi-phất đồng ý.
Quân Đề được bảy tuổi, Xá-lợi-phất bèn đến nhà Bà-la-môn xin mang chú về. Bà-la-môn bèn ra lệnh cho Quân Đề đi theo Xá-lợi-phất xuất gia làm Sa-di.
Ngài Xá-lợi-phất đưa Quân Đề về tinh xá Kỳ Viên, thuyết pháp cho chú nghe, và Quân Đề lĩnh hội được hết. Tuy Quân Đề chỉ là một đứa bé bảy tuổi nhưng chú đã có thể thọ nhận Thánh pháp một cách mau lẹ.
Chú Sa-di Quân Đề chính là con chó trong kiếp trước, đã được Ngài Xá-lợi-phất cho ăn cơm và thuyết pháp cho nghe. Nhờ có thiện căn ấy nên chú đã nguyện làm Sa-di thị giả của Xá-lợi-phất để báo ơn ngài.
Người ta nói trẻ con mà vào đạo là vì đã có thiện căn rất lớn từ trước. Trên con đường tu đạo, tuổi tác không phải là một vấn đề. Sa-di hay Tỳ-kheo cũng không phải là một vấn đề, thậm chí xuất gia hay tại gia cũng không thành vấn đề nữa. Thọ nhận Thánh giáo, giác ngộ chứng quả thì ở bất kỳ tuổi nào, già lão hay thơ ấu, Sa-di hay Tỳ-kheo cũng đều có thể làm được.
Chuyện chú Sa-di Quân Đề được khai ngộ lúc tuổi còn thơ là một thí dụ cụ thể.
Nguồn: phatgiao.org.vn