Cổ đức dạy rằng: “Có vô lượng pháp môn tu tập để chứng đắc các quả thánh vị, đạt đến quả vị vô thượng bồ đề chánh đẳng chánh giác. Trong vô lượng pháp môn tu tập, có pháp môn niệm Phật là rốt ráo hơn hết, vi diệu thù thắng hơn hết, là pháp môn tu học bậc nhất. Vì pháp môn niệm Phật thâu nhiếp hết thảy tất cả các pháp môn tu học khác, thâu nhiếp hết thảy tất cả mọi loài chúng sanh trong mười phương thế giới, đưa đến bến bờ an vui, giải thoát.” Khi nói đến pháp môn niệm Phật, phổ thông hơn hết chính là pháp hành trì xưng tán hồng danh của Đức Phật A Mi Đà.
Trong khi còn đang thực hành Bồ tát đạo, tiền thân Đức Phật A Mi Đà là ngài Pháp Tạng Tỳ kheo đã phát ra 48 điều đại nguyện trước đức Thế Tự Tại Vương Phật, hằng cứu vớt hết thảy mọi loài chúng sanh trong mười phương thế giới đưa đến bờ an vui giải thoát và đã được Đức Thế Tự Tại Vương Phật ấn chứng thọ ký. Trong 48 điều đại nguyện đó, đại nguyện thứ 18 nói rằng: “Giả sử khi ta được thành Phật, chúng sanh ở mười phương chí tâm tín nhạo muốn sanh về nước của ta nhẫn đến trong mười niệm, nếu chẳng được vãng sanh, ta nguyện không chứng lấy quả chánh giác, chỉ trừ người phạm tội ngũ nghịch và chê bai chánh pháp”.
Ngài Pháp Tạng Tỳ kheo trong thuở quá khứ nay đã thành Phật hơn mười kiếp, hiệu là A Mi Đà, ở cõi nước tên là Cực Lạc, phía Tây của thế giới Ta Bà, cách xa quá mười muôn ức cõi Phật, hiện nay đang nói Pháp. Vì vậy, 48 điều đại nguyện kia đã thành tựu viên mãn, Phật A Mi Đà đang tiếp độ chúng sanh. Lời khai thị của Đức Bổn Sư giới thiệu về Đức A Mi Đà Phật và cõi Cực Lạc là hoàn toàn chắc thật, không hư dối và chư Phật trong pháp giới mười phương cũng đồng nói như vậy.
Vậy phải niệm Phật như thế nào để được Đức Phật A Mi Đà tiếp dẫn về cõi Tây phương Cực Lạc, thọ hưởng sự an vui thù thắng vi diệu bậc nhất, từng bước dễ dàng đi đến trí huệ và công đức bất khả tư nghị của các vị đại Bồ Tát, đi đến trí huệ và công đức không thể nghĩ bàn của Như Lai, rốt ráo thành Phật đạo? Việc đó không gì hơn là chúng sanh phải Tin sâu, Nguyện thiết, Hạnh chuyên.
Tin sâu là chúng ta phải có lòng tin thanh tịnh và chắc thật đối với Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật A Mi Đà và mười phương chư Phật. Tin rằng lời khai thị của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là hoàn toàn chân thật, không hư dối. Tin rằng có Tây phương thế giới Cực Lạc, có Đức Phật A Mi Đà đang thuyết pháp và tiếp độ chúng sanh, tin rằng hàng thánh chúng ở cõi nước Cực Lạc đang được Phật A Mi Đà giáo hóa từng bước đi đến quả vị Phật. Tin rằng niệm Phật A Mi Đà chắc chắn sẽ được Phật tiếp dẫn. Tin rằng pháp môn niệm Phật là pháp môn tối tôn vi diệu đệ nhất. Tin rằng niệm Phật chắc chắn sẽ được thành Phật như lời khai thị của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong kinh Niệm Phật Ba La Mật. Vì có lòng tin thanh tịnh và chắc thật như vậy, nên tất cả tà thuyết, tất cả cảnh duyên không thể lay động và lôi kéo ta được. Cũng như Ngài Triệt Ngộ đại sư dạy bảo các hàng hậu học: “Giả sử đang khi ta niệm Phật, bỗng tổ Đạt Ma hiện ra, bảo phải bỏ Tịnh tu Thiền có thể liền giác ngộ, thì cũng từ tạ không dám tuân lời. Hay dù đức Thích Ca Mâu Ni hiện thân, bảo có pháp môn khác hơn Tịnh độ, dạy ta phải bỏ niệm Phật để tu môn kia, ta cũng đảnh lễ mà từ khước”. Giữ vững như vậy, mới gọi là lòng tin sâu sắc.
Nguyện thiết là chúng ta phải có chí nguyện tha thiết rằng chỉ nguyện duy nhất được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Mi Đà mà không sanh về bất cứ cõi thế giới của chư Phật nào khác. Nguyện rằng dù có bất cứ chuyện gì xảy ra ta cũng không thay đổi ý nguyện đó. Lại như Ngài Triệt Ngộ Đại sư dạy bảo các hàng hậu học: “Ví như có vòng sắt nóng đỏ xoay vần trên đầu, ta cũng không vì sự khổ ấy mà thoái chí vãng sanh. Lại như có cảnh dục lạc mầu nhiệm nhất của Chuyển luân vương hiện đến, ta cũng không vì sự vui sướng đó mà quên niệm cầu về Cực Lạc. Gặp những cảnh duyên nghịch thuận cùng cực như thế mà vẫn không đổi lòng, đó mới gọi là chí nguyện tha thiết”. Chỉ khi nào cảnh Tây phương Cực Lạc hiện ra, Đức Phật A Mi Đà và hàng Thánh chúng hiện đến tiếp dẫn thì lúc đó ta mới chịu đi.
Hạnh chuyên là chúng ta chỉ chuyên nhất niệm một danh hiệu “Nam mô A Mi Đà Phật” đây mới là phần chính yếu cốt lõi, còn các pháp như bố thí, cúng dường, thiểu dục tri túc, tụng kinh, trì chú, ngồi thiền… chỉ là phần phụ trợ, chỉ để trợ duyên trên bước đường tu học của.
Khi chúng ta xưng niệm “Nam mô A Mi Đà Phật” là đã xưng niệm hết thảy 10 phương chư Phật, không cần phải phân vân lo lắng xưng niệm thêm danh hiệu của Đức Phật khác. Để đạt được “Hạnh chuyên” một cách tốt nhất, chúng ta phải niệm Phật ở mọi lúc mọi nơi, từ lúc mới thức dậy cho đến lúc đi ngủ, từ việc đi đứng, nằm, ngồi đều phải niệm “Nam mô A Mi Đà Phật”, chỉ trừ khi nào chúng ta nói chuyện, học bài hoặc tụng kinh hoặc khi ngủ thì mới không niệm được thôi, còn lại thời gian lúc nào cũng phải xưng niệm “ Nam mô A Mi Đà Phật”. Tùy vào hoàn cảnh mà chúng ta niệm Phật lớn tiếng, nhỏ tiếng hoặc niệm thầm trong đầu và nhớ là phải tâm tiếng hiệp khắn nhau, tâm không rời tiếng, tiếng không rời tâm. Giả sử khi ở không gian thanh tịnh, vắng lặng chỉ có ở một mình, thì ta có thể niệm lớn nhỏ tùy thích, miễn làm sao đừng để mất oai nghi. Giả sử khi ở nơi có nhiều người cùng niệm Phật, như ở chùa hoặc đạo tràng, thì ta phải niệm vừa phải theo tiếng của đại chúng hoặc niệm nhỏ hơn, chớ có niệm to mà làm động tâm đại chúng. Giả sử khi ở nơi không được thanh tịnh, như khi vào nhà vệ sinh, ở bãi rác hoặc những nơi bất tịnh, thì ta chỉ nên niệm thầm trong đầu, chớ có niệm ra tiếng. Chỉ khi nào ta có tâm đại từ đại bi của vị đại Bồ tát, học thực hành hạnh nguyện rộng sâu khó nghĩ khó bàn của chư đại Bồ tát thì chúng ta mới có thể tùy tâm tự tại mà niệm lớn tiếng ở những nơi bất tịnh không sạch sẽ như thế này, với tấm lòng đại từ đại bi hồng cứu vớt tất cả chúng sanh đang phải chịu nghiệp báo trong cảnh khổ đau ở những nơi bất tịnh không tinh sạch như thế này.
Dù có ở bất cứ không gian nào, thời gian nào, hoàn cảnh nào, tâm của chúng ta vẫn không rời câu xưng niệm “Nam mô A Mi Đà Phật”. Hành trì niệm Phật như vậy mới gọi là “Hạnh chuyên”
Khi đã đủ ba yếu tố thiết yếu: “Tin sâu, nguyện thiết, hạnh chuyên” thì người niệm Phật ở đời hiện tại được thân tâm an lạc, cuộc sống an nhiên tự tại, sở cầu đều được như ý. Sau khi mạng chung được sanh về cõi Tây phương thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Mi Đà, liền được ngôi bất thoái ở phẩm sen cao quý nhất. Được Phật A Mi Đà giáo hóa thực hành hết thảy hạnh nguyện của chư đại Bồ tát, từng bước đi đến quả vị Phật.
Thơ rằng:
“Gian nan vất vả chốn bụi trần
Sinh, già, bệnh, chết khắp nơi thân
Muộn phiền lo lắng làm ta khổ
Khổ cả một đời khổ ai ơi!
Bước qua sanh tử khỏi cuộc đời
Quay về Cực Lạc rất thảnh thơi
Tây phương thánh chúng đang chào đón
Tiếp dẫn hết thảy những người con”.
THÍCH NGUYỆN LONG