Việc ăn chay và phóng sinh, theo con không chỉ là tâm từ bi mà còn là giúp bản thân lần lần thành tựu tâm hoan hỷ, tâm trí tuệ…, gieo hạt giống lành để đời này được an lạc và đời sau sẽ gặt hái quả ngọt: “Quả vị Toàn giác”…
Con có duyên với Phật pháp từ năm 12 tuổi. Qua những lời khuyên của bà ngoại cũng như tự bản thân, con thấy mình không nên giết hại những loài vật dù là nhỏ bé, thế là con bắt đầu ăn chay cho đến tận bây giờ. Bài chia sẻ này không nhằm mục đích khoe khoang hay phô trương mà là để cho ngườiđọc tăng trưởng thêm lòng tin về việc ăn chay và phóng sanh, ngõ hầu để khắp nơi nơi không còn hận thù, giết chóc và khổ đau.
Với những người trẻ như con, việc ăn chay vấp phải nhiều trở ngại, vì theo người đời thì ăn chay chỉ dành cho những người gần đất xa trời. Năm 12 tuổi, do còn quá nhỏ nên khi nghe nói đến việc ăn chay, ba mẹ và những người thân trong dòng họ phản đối và gieo rắc bằng những câu: “Ăn chay thiếu chất, cơ thể đang phát triển cần nhiều chất, ăn chay ốm yếu, ăn chay rồi bệnh là rất khó điều trị,…”. Nhưng với sự kiên quyết, con đã xin phép ba mẹ ăn chay một thời gian ngắn, nếu thấy sức khỏe tốt thì ăn luôn. Nhờ Phật, Bồ-tát gia hộ nên con không sao và khỏe mạnh luôn. Vì quá nhỏ nên trong các bữa ăn con chỉ biết chế biến vài món chay đạm bạc. Ít lâu sau, Ba con, vì thương con gái và do duyên tác động, nên người tìm đọc kinh sách và những lời dạy của các bậc Đạo sư rồi trường chay theo con. Vui thay, sau đó những bữa cơm gia đình chỉ có những hương vị của rau xanh và thực phẩm dành cho người dùng đồ chay.
Nói về vấn đề này, con xin chia sẻ với mọi người rằng, lúc đầu tập tành ăn chay con vẫn còn “trào nước miếng” trong cổ họng khi nhìn thấy món mặn, tức là vẫn còn một chút nghiệp ham muốn ăn thịt chúng sanh. Tuy nhiên con đã đối trị bằng cách nghĩ ngay đến những hình ảnh con chó, con gà, con heo…, bị giết, bị cầm dao đâm ngay cổ kêu la thảm thiết. Lúc đó con tự lấy tay mình sờ sờ cổ và nghĩ nếu mình bị giết như vậy sẽ đau đớn đến mức nào.
Và cứ thế con cố gắng ăn chay, thầm cầu mong chư Phật gia hộ cho tâm con không lay chuyển, kiên định lập trường. Dần dần lớn lên, vào đại học, con phải giao thiệp, ăn uống, tiệc tùng với bạn bè, anh chị, thầy cô, người quen ngày càng nhiều. Có lần, gặp phải tình huống éo le, theo đoàn tiếp hai vị khách Hàn quốc, họ mời con và cô giáo dùng cơm tại quán Sushi. Do vì công việc nên con phải theo đoàn. Con ăn chay, nhận thức lúc đó là không muốn làm phiền người khác nên trên bàn có món chay là con dùng. Lúc đó cô giáo không biết là con ăn chay, nên người gắp sushi để vào chén cơm con đang cầm trên tay. Con từ chối nhẹ nhàng: “Cô ăn đi, con gắp được.” Cô nằng nặc đồi gắp Sushi cho con. Lúc đó, tâm con có hai luồng suy nghĩ: “Mình không được ăn, đó là chúng sanh” và “Ăn đại đi, có mấy lát hải sản nhỏ thôi, tùy duyên đi”. Một cuộc đấu tranh tư tưởng mạnh mẽ diễn ra nhanh chóng trong đầu của con. Và cuối cùng con đã giải quyết thỏa đáng: “Âm thầm thả miếng sushi xuống gầm bàn và ăn rong nho, rau củ chiên. Sau này con rút ra được kinh nghiệm, mình ăn chay thì nói ăn chay, không việc gì phải sợ, phải ngại cả vì chỉ khi làm việc ác mới đáng sợ, còn đằng này ăn chay là một điều tốt, có thể làm lợi ích bản thân và chúng sanh. Bởi luân hồi cũng do mình mà giải thoát cũng do mình, đừng vì bất kì ai mà nản chí Đạo tâm, để rồi đọa lạc trong luân hồi, lúc đó trách ai?, ai gánh tội giùm mình?
Thời gian như ngựa chạy, trong con không những muốn trường chay mà còn muốn cứu những con vật đang sắp bị giết hoặc đang bị khổ sở vì giam cầm. Khi còn là sinh viên năm 2, khoảng 6 giờ, con đếnchợ, nhìn thấy trong thau của chị bán cá có 5 con cá chép và cạnh bên là một tấm thớt đầy vảy và máu. Không đắn đo, con nhanh chân tiến lại hỏi chị: “5 con này bao nhiêu tiền hả chị?”. Ngay lập tức có người nói giọng oang oang: “Tui mua một con rồi, còn bốn con thôi”.
Nhanh như chớp, cô hàng cá dùng một cây gỗ to đập mạnh xuống đầu con cá chép xấu số. Thật ra đến giờ con vẫn còn ân hận vì trách mình lúc đó sao không thương lượng lại với người đã mua, trả giá cao hơn, may ra còn cứu được một sinh mạng. Con thầm niệm A-di-đà Phật, chúng nhìn con với đôi mắt rất bi thương, mọi việc đã muộn rồi. Thấy thế, Con chạy một mạch về phòng trọ lấy thêm tiền, mong sao có thể chuộc mạng 4 con còn lại. Nhưng đau lòng thay, khi quay lại thì trong thau chỉ còn 3 con. Sau này ngồi suy ngẫm lại, con mới thấu hiểu là tại sao Từ bi phải luôn đi cùng với Trí tuệ, con đã có lòng thương xót nhưng chưa có sự bình tĩnh để giải quyết mọi chuyện tốt đẹp, để một sinh linh phải bị sát hại.
Cầm bị cá trên tay, trong con suy nghĩ miên man không biết nên thả ở đâu, gần nhất là sông Thị Nghè, mà thả ở sông Thị Nghè thì cá có sống nổi hay không?. Vậy là đạp xe về lại phòng trọ. May thay, vừa về đến phòng trọ, thấy có chị Phật tử ghé thăm đang đợi. Thế là với niềm hoan hỷ tột cùng, hai chị em cùng đem bị cá đi thả trên dòng sông cách phòng trọ không xa, với những câu chú nguyện xuất phát từ tận tâm chân thành:
“Quy y Phật không đọa địa ngục
Quy y Pháp không đọa ngạ quỷ
Quy y Tăng không đọa súc sanh.
Nam mô Tây phương cực lạc thế giới đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư A-di-đà Phật. Nam mô đại bi Quán-thế-âm Bồ-tát. Nguyện con và tất cả chúng sanh vãng sanh Tây phương cực lạc, đồng thành Phật đạo”.
Sáng hôm ấy bầu trời trong lành biết bao, ngồi sau xe máy, tay cầm bị cá tràn ngập mùi tanhnhưng con vẫn luôn mỉm cười, trong tâm lại thầm niệm A-di-đà Phật. Người đi đường không hiểu sẽ bảo con không bình thường. Nhưng lúc đó, con cảm nhận được niềm hỷ lạc khi tận mắt nhìn thấy 3 chú cá bơi lội tung tăng trên dòng nước. Sau này khi xem phim về cuộc đời của Sư ông Thích Trí Tịnh, con cảm thấy thực sự hoan hỷ và kính phục trước việc làm thuở bé của Ngài, tự tay thả chú cá xuống dòng nước mà người hàng xóm đã cho chị dâu của mình, mặc kệ hậu quả sẽ như thế nào. Việc ăn chay và phóng sinh, theo con không chỉ là tâm từ bi mà còn là giúp bản thân lần lần thành tựu tâm hoan hỷ, tâm trí tuệ,…gieo hạt giống lành để đời này được an lạc và đời sau sẽ gặt hái quả ngọt: “Quả vị Toàn giác”.
Minh Ngọc