Tất cả chúng sanh và chư Phật đồng một Thể tánh sáng suốt, thanh tịnh, bất sanh, bất diệt, cùng khắp, thường trụ. Nhưng do một niệm bất giác vô minh mà bị lưu chuyển trong luân hồi sanh tử, lên xuống sáu nẻo, ra vào ba đường đầy rẫy khổ đau không biết ngày nào ra khỏi. Đứng trước hoàn cảnh vô cùng thương tâm ấy, Đức Phật với lòng từ bi vô hạn, Ngài thị hiện nơi đời “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến” (kinh Pháp Hoa). Suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp lợi sanh, Ngài tùy theo căn cơ trình độ của chúng sanh mà ban bố những lời pháp nhũ vô cùng quý báu, chúng sanh dựa vào đó áp dụng tu tập đạt được sự an lạc, giác ngộ, giải thoát.

Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, những lời dạy của Ngài, chư vị đệ tử đã kết tập lại thành Tam tạng Kinh Điển đó là: “Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng”. Trong Tam tạng Kinh Điển này có Luật Tạng là phần căn bản, là những giới điều răn cấm và những quy định cụ thể bắt buộc phải thực hiện trên bước đường tu tập của người đệ tử Phật. Với tinh thần đó người đệ tử Đức Phật dù xuất gia hay tại gia, tu bất kỳ pháp môn nào hay Tông phái nào đều cũng phải lấy Giới luật làm nền tảng để tiến tu.

Giới có bốn khoa: Giới pháp, giới thể, giới hạnh và giới tướng.

Giới: Tiếng phạn là Sila (Thi la), nghĩa là những Giới điều có khả năng phòng ngừa điều trái, đình chỉ việc ác, tu tập việc lành. Thi la còn dịch là thanh lương, nghĩa là mát mẻ. Có một từ nữa trong tiếng Phạn có nghĩa là Giới hay Giới bổn, đó là Ba La Đề Mộc Xoa, Trung Hoa dịch là biệt giải thoát. Có nghĩa là giữ được giới nào thì giải thoát được giới đó, ngoài ra giới còn có nghĩa là hiếu (kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới).

Luật: Tiếng phạn là Vinaya (Tỳ nại da), Trung Hoa dịch là Luật, điều phục, diệt, thiện trị. Như các pháp Yết ma, An cư, Thọ giới…

Giới Luật còn có các phần: chỉ trì, tác trì, tánh giới, giá giới, khai, giá, trì, phạm.

Phật chế giới tuy nhiều nhưng gồm có hai loại là biệt giới và thông giới. Biệt giới là giới dành cho từng đối tượng khác nhau. Như 5 giới , 8 giới dành cho người tại gia, còn người xuất gia gồm 10 giới cho Sa di và Sa di ni, 6 pháp dành cho Thức xoa ma na , 250 giới dành cho Tỳ kheo, 348 giới dành cho Tỳ kheo ni. Đây là giới Thanh văn. Còn thông giới là giới ai thọ cũng được, nếu hội đủ một số quy định trong luật khi thọ giới, đó là giới Bồ tát, gồm có 10 giới trọng và 48 giới khinh.

Đức Phật thị hiện nơi đời mục đích là giúp cho chúng sanh thành Phật. Chính vì thế khi mới thành đạo trong khi ngồi dưới cội Bồ đề, Ngài bắt đầu kiết “Bồ tát giới”. Chư Bồ tát giới dựa vào giới này tu hành tương lai sẽ thành Chánh đẳng Chánh giác, còn đối với Thanh văn giới thì cuối năm 12 đầu năm 13 sau khi Đức Phật thành đạo khi đó có pháp hữu lậu xuất hiện nên Phật mới chế giới. Qua đó cho thấy giới luật có tầm quan trọng như thế nào đối với đệ tử Đức Phật.

Trong kinh Di Giáo trước khi nhập Niết bàn Đức Phật chỉ dạy: “Các thầy Tỳ kheo, sau khi Như Lai diệt độ, các Thầy phải trân trọng tôn kính Tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết Tịnh giới là đức Thầy cao cả của các Thầy. Nếu Như Lai ở đời cũng không khác gì Tịnh giới vậy”.

Khi Đức Phật còn trụ ở đời, Ngài là người được trân trọng tôn kính nhất của chư Tỳ kheo. Vì Ngài đã đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và lòng từ bi vô hạn lúc nào cũng muốn giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau, quay về bản tánh vốn sẵn có của mình, như Thiền tông nói bản lai diện mục khi cha mẹ chưa sinh ra, hay đó là chân tâm, Phật tánh của mỗi người. Nói là đạt được chứ thực ra theo như kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới thì Ngài đã thị hiện đến thế giới Ta Bà để độ sanh là tám nghìn lần, còn theo như kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ mười sáu thì Ngài đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cách đây đã vô lượng vô số kiếp không thể tính đếm được. Không có gì là Ngài không tường tận, từ tâm tánh tất cả chúng sanh đến vạn pháp. Có khả năng giúp cho chúng sanh nhận biết được thật tướng của vạn pháp, thoát khỏi khổ đau phiền não, giác ngộ, giải thoát, người nào có duyên gặp  

Ngài, chịu làm đệ tử thực hành đúng theo lời chỉ dạy thì không bao lâu đạt được an lạc, thoát khỏi phiền não khổ đau đạt được giải thoát, giác ngộ. Sỡ dĩ có kết quả như vậy là Ngài biết được tâm bệnh của chúng sanh từ đó cho đúng pháp tu thì nhanh chóng đạt kết quả, như vị lương y sau khi khám biết được bệnh cho đúng thuốc thì bệnh nhân nhanh hết bệnh. Sau khi Đức Phật diệt độ, theo tinh thần tôn sư trọng đạo thì giáo lý của Đức Phật để lại hết sức được trân trọng tôn quý, trong đó có giới luật. Đức Phật còn ở đời những ai có duyên gặp Phật muốn xuất gia, Đức Phật hứa khả rồi nói: “Thiện lai Tỳ  kheo” thì vị ấy đắc giới thể và trở thành Tỳ kheo thanh tịnh, một thành viên của Tăng già. Nhưng sau khi Đức Phật và các Thánh đệ tử của Ngài nhập Niết bàn để có được Tỳ kheo thì phải dựa vào giới luật, qua đó Tỳ kheo mới có mặt ở thế gian, danh từ Tỳ kheo là tiếng xưng hô chỉ cho Tỳ kheo tăng và Tỳ kheo ni. Tỳ kheo đúng pháp là thành viên của Tăng già, Tăng là chỉ cho bốn vị Tỳ kheo đúng pháp trở lên sống trong tinh thần thanh tịnh hòa hợp, còn ba vị Tỳ kheo thì chưa gọi là Tăng mà chỉ là thành viên của Tăng, cho nên ai đó nói lỗi của Tăng là không đúng, vì Tăng vốn là thanh tịnh hòa hợp không có mảy may khuyết điểm, nếu có lỗi đi chăng nữa đó là lỗi của vị Tỳ kheo. Đôi lúc cũng xưng hô một vị Tỳ kheo là Tăng, chính vì thế tùy trường hợp mà chúng ta hiểu cho đúng. Phật pháp tồn tại lâu hay mau, dài hay ngắn ở trên thế gian là do Tăng già hoằng hóa, nên có câu:

“Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa,

Thiền môn hưng thịnh do đàn việt phát tâm”.

Qua câu kệ này cho thấy sự phân chia rạch ròi về trách nhiệm công việc giữa người xuất gia và người tại gia. Sau khi Đức Phật và các Thánh đệ tử nhập Niết bàn, Tăng già có được là do giới luật quyết định, nên giới luật là thọ mạng của Phật pháp, giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp mất. Khi tu tập, giới luật giúp cho Tỳ kheo lỡ phạm lỗi thì căn cứ vào giới luật biết lỗi đó thuộc thiên tụ nào và áp dụng điều luật nào để giải tội trở lại thanh tịnh. Nếu tu tập mà không dựa trên nền tảng giới luật lỡ có phạm giới cũng không có cách để làm cho thanh tịnh trở lại, nên tu hoài không thấy có kết quả.

Qua đó giới luật cũng khiến cho ba nghiệp thân, khẩu và ý được thanh tịnh.  Thân, khẩu và ý là nơi tạo nghiệp của chúng sanh, là nguồn gốc làm cho chúng sanh bị luân hồi sanh tử khổ đau. Chúng sanh bị khổ đau hay an vui, luân hồi hay giải thoát cũng do ba nghiệp tạo tác, từ đây cho thấy hoàn cảnh của chúng sanh như thế nào là do chúng sanh đó tự tạo chứ không do một đấng Thần linh nào quyết định hay ban bố.

Ví dụ như Đức Phật là vị đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác có lòng từ bi vô lượng, nhưng Ngài không thể dùng thần thông của mình làm cho chúng sanh thoát đau khổ, giác ngộ, giải thoát, mà Ngài vạch ra con đường giúp cho chúng sanh thoát khổ, nếu chúng sanh muốn hết khổ đau, được vui thì phải tự thân thực hành lời Phật dạy. Nghiệp là hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần có tác ý, khi nghiệp nhân được tạo ra nó sẽ được đưa vào Tàng thức giữ ở đó không hư mất, khi đủ duyên nó hiện hành ra bên ngoài khiến cho chúng sanh đón nhận hoàn cảnh an vui hay đau khổ. Dựa trên nguyên lý này giới luật có công năng phòng phi chỉ ác, từ đó các nhân ác không tác tạo, các nhân thiện được huân tập và các nghiệp ác từ trước được chứa trong tàng thức do có giới luật phòng hộ nên không có đủ nhân duyên trổ quả dẫn đến ba nghiệp thanh tịnh, hoàn cảnh bên ngoài toàn an vui. Nhờ có giới luật mà ba nghiệp được chuyển hóa chúng sanh tu tập mới có được giác ngộ, giải thoát. Vì vậy giới luật của Đức Phật cần được trân trọng tôn quý, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được của báu.

Khi Đức Phật còn ở đời Ngài là đức Thầy cao cả nhất hướng dẫn chư Tỳ kheo tu tập. Ngài tường tận rõ ràng con đường đến Niết bàn an vui, nên chư Tỳ kheo dựa vào Ngài tu tập thì hết sức vững vàng và chắc chắn, không bị lạc lối lầm đường, thời gian đó số hành giả chứng Thánh quả rất đông. Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn thì giới luật có công năng giống như Đức Phật, có thể giúp chư Tỳ kheo tu tập vững vàng và chứng đắc Thánh quả, như thọ giới Thanh văn mà thực hành trọn vẹn, đầy đủ thì sẽ chứng đắc các Thánh quả, trong đó quả A la hán là cao nhất, còn thọ giới Bồ tát mà thực hành đầy đủ trọn vẹn thì chứng đắc Phật quả hay tam thân Phật. Vì Bồ tát giới gồm có ba tụ: Nhiếp luật nghi giới (những điều ngăn cấm thân, khẩu, ý không cho phạm lỗi) đưa Bồ tát đến quả Đoạn đức (Đại Niết bàn) chứng thanh tịnh Pháp thân. Nhiếp thiện pháp giới (những điều lành, điều tốt mà thân, khẩu, ý phải thực hành) đưa Bồ tát đến quả Trí đức (Đại Bồ đề) chứng viên mãn Báo thân. Nhiêu ích hữu tình giới (những điều cứu khổ ban vui cho chúng sanh) đưa Bồ tát đến quả Ân đức (Đại Từ bi) chứng Ứng hóa thân. Chính vì thế, giới luật chính là Đức Thầy cao cả nhất của chư Tỳ kheo.

Theo như Đức Phật chỉ dạy sự hiện diện của giới luật trên thế gian cũng không khác gì sự hiện diện của Đức Phật. Nên tôn kính Đức Phật như thế nào thì đối với giới luật cũng tôn kính như vậy, đã tôn kính Đức Phật thì phải tu hành đúng như tinh thần Đức Phật đã chỉ dạy. Đức Phật dạy: “Ai tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”.

Nghĩa là sau khi Đức Phật diệt độ chư Tỳ kheo lấy giới luật là Đức Thầy làm nền tảng tiến tu, nhưng cũng phải thông suốt giới luật. Giới luật không khô khan, cứng ngắc, gò bó mà giới luật rất linh hoạt, uyển chuyển tùy theo trú xứ, quốc độ. Để có được linh hoạt, uyển chuyển như vậy hành giả phải biết giới có tánh giới và giá giới, tánh giới bản chất nó là ác, dù cho người thiện hay kẻ ác đụng vào đều bị tổn hại, ví như cục lửa than dù cho người hiền hay kẻ ác khi tay cầm vào thì tất cả đều bị bỏng, nên hành giả tu theo Thanh văn giới tuyệt đối không được phạm vào dù mảy may, vì Thanh văn tu trên nền tảng tự lợi nên Đức Phật không khai, còn Bồ tát giới tu trên nền tảng lợi tha nên Đức Phật khai, khai nhưng vị Bồ tát giới đó khi hành sự phải có tâm thanh tịnh, từ bi vì mục đích cứu mạng chúng sanh trong đó có con người, tuy không phạm giới nhưng quả báo tương lai nhất định phải trả, còn giá giới bản chất nó không ác nên khi chế định rồi sau đó Đức Phật lại khai, khai nhưng hành sự hành giả phải có tâm thanh tịnh, từ bi, giới còn có chỉ trì và tác trì, khai giá trì phạm, cách hành trì giới Thanh văn và giới Bồ tát, có thông suốt điều này thì giới mới đem lại an lạc giải thoát.

Qua đó Giới là nền tảng căn bản của “Tam vô lậu học”. Lậu là phiền não, rò rỉ, rơi rớt, ba môn học vô lậu là Giới học, Định học và Huệ học. Ba môn học này giúp hành giả không bị rơi rớt trong luân hồi sanh tử khổ đau, ba môn học này cũng giúp hành giả thoát ra khỏi sự chi phối của phiền não mà đạt được giải thoát. Giới là những điều răn cấm của Đức Phật. Định là tập trung tinh thần vào một đối tượng hoặc chỉ cho tâm vắng lặng. Tuệ là chỉ cho tác dụng tinh thần thấu suốt mọi sự vật, hiện tượng, Tuệ này do tu tập mà có chứ không phải tri thức do học hỏi mà được. Nhân Giới sanh Định, nhân Định mà phát Tuệ. Định và Tuệ có được cũng bắt nguồn từ nền tảng là Giới, nhờ có Giới mà các vọng tưởng phiền não, vô minh bị khống chế từ đó Định được hiện tiền, từ Định mà Trí tuệ, sự giải thoát giác ngộ có mặt. Có nhiều cách để tu Định và Tuệ nhưng cách thức áp dụng tu như thế nào đi chăng nữa cũng lấy giới luật làm nền tảng tiến tu, như vậy mới có kết quả đúng như lời Đức Phật chỉ dạy.

Các pháp môn, các Tông phái đều có cách tu, Tông chỉ khác nhau đều đưa hành giả đến giác ngộ, giải thoát. Tất cả có điểm chung là lấy giới luật làm nền tảng, tinh thần này được thể hiện cụ thể rõ nét là khi có người vào xin xuất gia, sau khi hội đủ điều kiện cho xuất gia, sau khi xuất gia thọ Sa di, việc đầu tiên là phải học thuộc và thực hành tốt bốn bộ luật tiểu: Tỳ ni, Oai nghi, Sa di, Cảnh sách. Đây là nền tảng căn bản tu học của người mới vào chùa xuất gia, đây là nền tảng rất ư quan trọng để tiến lên thọ Cụ túc giới. Sau khi hội đủ điều kiện, nhân duyên, phước báu đăng đàn thọ giới Tỳ kheo. Sau khi thọ Tỳ kheo đắc giới thể, thành một Tỳ kheo đúng pháp, 5 năm đầu là chuyên nghiên cứu thực hành giới luật, như trong luật quy định: “Ngũ hạ dĩ tiền tinh chuyên giới luật, ngũ hạ dĩ hậu thính giáo tham thiền”. 5 hạ sau, sau khi đã rành rẽ về giới luật, bắt đầu đi tham học các pháp môn. Nếu chưa rành giới luật, dù 60 tuổi hạ cũng không được rời Thầy Tổ, hoặc có rời Thầy Tổ cũng nương một Thầy rành giới luật làm Y chỉ sư. Trong thời gian 5 năm sau khi thọ giới cụ túc chuyên về giới luật sẽ khiến vị Tỳ kheo có được định tâm, từ định tâm trí tuệ phát sinh. Từ đó đi tham học sẽ nhận biết được rành rẽ các Pháp môn, các Tông phái, đem áp dụng tu tập chóng sẽ đạt được kết quả. Nếu đi đúng lộ trình này thì cuộc đời tu sẽ có được an lạc giải thoát. 

Dù tu pháp nào, Tông phái nào mỗi nửa tháng phải làm Lễ Bố tát tụng lại giới luật nhằm thanh tịnh giới đã thọ, đến mùa an cư phải tập trung lại một trú xứ để tác pháp an cư trong ba tháng, nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. 

Phật giáo Bắc truyền có bốn vị Bồ tát tiêu biểu: Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Quán Âm, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ hiền. Trong đó Bồ tát Địa Tạng với hạnh nguyện được thể hiện trong kinh Địa Tạng, đây là bộ Kinh mà đệ tử Phật tu theo Bắc truyền ai cũng biết và  thường tụng. Bộ kinh này là bộ Kinh căn bản của Phật giáo Bắc truyền, bộ Kinh này nói về chữ “hiếu”. Nếu hạnh hiếu được thực hiện tốt mới nói đến từ bi, tiến lên trí tuệ và hạnh nguyện. Qua đó cho thấy tu tập thông qua các bộ Kinh cũng phải lấy giới luật làm nền tảng. Như kinh Địa Tạng thể hiện tốt chữ hiếu, mà hiếu chính là giới luật trong nhà Phật. Điều đó thể hiện qua lời dạy của Đức Phật thông qua kinh Phạm Võng Bồ tát giới: Thuở Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lúc mới thành đạo Vô thượng Chánh giác khi ngồi dưới cội Bồ đề, Ngài bắt đầu kiết “Bồ tát giới”. Ngài dạy: “Hiếu thuận với cha mẹ, Sư tăng, Tam bảo. Hiếu thuận là pháp chí đạo. Hiếu gọi là giới, cũng gọi là cấm ngăn”.

Trong thời nay có một pháp môn hợp mọi căn cơ, dễ thực hành và giúp chúng sanh một đời có thể thoát khỏi sanh tử luân hồi khổ đau, chứng nhập ngôi bất thoái, đó là pháp môn Tịnh độ. Tu tập pháp môn Tịnh độ cầu vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Mi Đà, đòi hỏi phải đầy đủ ba món tư lương: Tín, Nguyện, Hạnh. Tu Tịnh độ ngoài ba món tư lương cần phải có này thì cũng phải lấy giới luật làm nền tảng.  Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, 1 trong 5 bộ kinh của Tịnh độ tông, Đức Phật dạy bà Vi Đề Hy tu 3 phước để cầu sanh Cực Lạc. Một trong 3 phước và đây cũng là phước căn bản: “Hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ bậc Sư trưởng, có tâm nhân từ chẳng giết hại và tu tập mười nghiệp lành”. Trong phước thứ nhất này, câu: “ Hiếu dưỡng cha mẹ” được đặt ở vị trí đầu, cho thấy hiếu với cha mẹ là nền tảng căn bản, theo Bồ tát giới thì hiếu là giới.

Vậy thông qua đây cho thấy tu Tịnh độ cũng lấy giới luật làm nền tảng căn bản để tiến tu và đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh thì chắc chắn vãng sanh, chấm dứt luân hồi khổ đau, chứng ngôi bất thoái. Trong kinh Đức Phật A Mi Đà có nói: “Nếu khi lâm chung, lúc trút hơi thở cuối cùng mà tinh thần tỉnh táo, chánh niệm, niệm danh hiệu của Ngài 10 câu thì sẽ được vãng sanh”. Trong bài kệ khen tặng giới pháp có nói người trì giới khi chưa thành Phật được 5 điều lợi ích, trong đó điều lợi ích thứ 2 là khi lâm chung chánh niệm vui vẻ. Khi lâm chung nhờ trì giới mà tâm chánh niệm 10 câu Phật hiệu là vấn đề hết sức dễ dàng, thậm chí niệm số lượng hơn nữa cũng không sao. Chính vì thế tu Tịnh độ ngoài 3 món tư lương cần phải có mà giới luật giữ tốt thì 10 người tu 10 người vãng sanh.

Sự hiện diện của giới luật ở thế gian cũng chính là sự hiện diện, cũng chính là sự hiện thân của Đức Phật. Giới luật là Đức Thầy cao cả của chư Tỳ kheo, vì giới luật có thể hướng dẫn chư Tỳ kheo tu tập đạt được giải thoát, giác ngộ, chứng đắc các Thánh quả, cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp mất. Giới luật là nền tảng của “Tam vô lậu học”, nhờ Giới mà sanh Định, nhờ Định mà phát Tuệ. Chính vì thế là đệ tử của Đức Phật tu tập theo giáo lý của Ngài, dù ở bất kỳ thời gian nào, quốc độ nào, trú xứ nào, muốn thành tựu sự nghiệp tu tập của mình là giác ngộ, giải thoát, chứng đắc Thánh quả, hay cầu sanh về các cõi Tịnh độ của Chư Phật thì phải lấy giới luật làm nền tảng để tiến tu.

THÍCH HOẰNG KHIẾT