Khi có niềm tin nơi Đức Phật, nơi giáo Pháp của Ngài và tin chư Tăng là những người xuất gia theo Đức Phật cầu đạo giải thoát thì mới quy ngưỡng và tín thọ, thực hành những lời dạy của Đức Thế Tôn, của chư Tăng đưa đến thành tựu phạm hạnh, an lạc giải thoát.

Trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy: “Niềm tin là mẹ sinh ra các công đức”. Bởi vì khi có niềm tin nơi Đức Phật, nơi giáo Pháp của Ngài và tin chư Tăng là những người xuất gia theo Đức Phật cầu đạo giải thoát thì mới quy ngưỡng và tín thọ, thực hành những lời dạy của Đức Thế Tôn, của chư Tăng đưa đến thành tựu phạm hạnh, an lạc giải thoát. Cũng từ niềm tin mà tiếp thu được những lời dạy quý báu, để từ đó tích tập được các công đức, phước báu cho chính mình.Vậy làm sao để xây dựng được niềm tin cho chính mình?

Trong kinh Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Nhỏ, phần Sự kiện, Đức Phật dạy một người có lòng tin sẽ có 3 biểu hiện như sau: “Ưa thấy người có giới hạnh; ưa nghe diệu Pháp; với tâm ly cấu uế xan tham, sống trong nhà, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, thích thú sự từ bỏ, sẵn sàng khi được yêu cầu, thích phân phát vật bố thí.”

Người có lòng tin thường ưa được thấy những người có giới hạnh

Người có lòng tin là người rất thích được nhìn thấy, được gần gũi và gặp gỡ những người có đức hạnh, có giới hạnh. Ví dụ: Ngày xưa, có một người suốt ngày lân la, chỗ quán rượu, quán chè, quán cờ bạc, quán đề đóm, trà đình,…; nhưng bây giờ, người ấy hay đi chùa, chăm gần gũi các bậc đức hạnh, gặp các bậc thiện nhân, các bậc trí sĩ. Đó là biểu hiện đầu tiên để biết người đó bắt đầu có lòng tin. Trường hợp người thân là vợ, chồng hay con cái trước đây chưa có lòng tin, thường không ưa đến chùa, không ưu nghe giảng Pháp mà bây giờ bắt đầu muốn nghe Pháp, tìm hiểu thì người đó đang dần có biểu hiện của lòng tin.

Ưa thích nghe diệu Pháp cũng là biểu hiện của người có lòng tin

Đức Phật dạy biểu hiện thứ hai của người có lòng tin là thường thích nghe diệu Pháp, nghe những lời dạy của Đức Thế Tôn.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh kể lại câu chuyện bản thân Đại đức ngày xưa rất tin kinh Phật. Đi đâu cũng chỉ tìm kinh sách, trong cặp lúc nào cũng phải có quyển kinh Phật, không lúc nào không rời. Rất thích! Khi mình có lòng tin này thì mình tu học Phật rất tiến, trở ngại gì cũng vượt qua được. Có thể nói, lúc đó khó khăn gì cũng vượt qua bằng được, để học bằng được. Dù trời mưa, gió, bão,… cũng đi. Lúc đó đã tin rồi nên rất hăng say. Và chính sức mạnh của lòng tin giúp cho mình tiến đạo.”

Người có lòng tin thường thích thú với sự từ bỏ, xả ly

Biểu hiện thứ ba của người có lòng tin, Đức Phật dạy: “Với tâm ly cấu uế xan tham, sống trong nhà, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, thích thú sự từ bỏ, xả ly, sẵn sàng khi được yêu cầu, thích phân phát vật bố thí.”

Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho rằng: “Bố thí rộng rãi với bàn tay sạch tức là tiền của mình làm ra, mình bố thí, cúng dường là trong sạch. Chứ không phải mình đi ăn cắp, ăn trộm, gom của người xong rồi đi cúng dường và nói là của mình. Đấy không phải là bố thí, cúng dường trong sạch, tâm ấy là tâm cấu uế. Có những người tuy nghèo nhưng vẫn sẵn sàng bố thí không còn tiếc cái gì, tâm rất rộng rãi. Người này thích thú với sự xả ly, từ bỏ, sẵn sàng khi được yêu cầu và thích phân phát các vật bố thí. Bởi vậy, biểu hiện của người có lòng tin là phát khởi được tâm xả ly, bố thí. Người có lòng tin với chính Pháp sẽ từ bỏ rất dễ như vậy”.

Câu chuyện về Ngài Cấp Cô Độc là người rất giàu có, thậm chí giàu có hơn cả vua. Nhưng khi ông gặp Phật, ông tin Phật, kính Phật tuyệt đối, sẵn sàng mang hết vàng trong kho, dát lên đất để đổi lấy mảnh vườn xây tịnh xá cúng dường Đức Phật.

Lòng tin của chúng ta so với Ngài Cấp Cô Độc thì chưa được bao nhiêu. Mình tính toán dữ lắm. Hôm nay tính ra chợ mua nải chuối lên chùa cúng Phật, từ nải chuối này phải khấn Phật cho lại mình được những cái gì. Cúng Phật một tí là phải khấn cho mình được bao nhiêu cho bõ. Cho nên, mình chưa bao giờ cho không ai cái gì cả, chưa cho không Phật cái gì đâu. Mình phải tập được cái tâm đến chùa “biếu không” Phật, không đòi hỏi Phật cái gì cả. Hôm nào mang gạo lên cúng Phật để Phật chứng, cúng chư Tăng để chư Tăng thọ nhận chứ mình không đòi hỏi, không xin cái gì. Mình hãy thử vô tư như thế xem có khó không?

Qua ba biểu hiện của người có lòng tin, Phật tử chúng ta cần xoay lại bản thân để kiểm xem mình đã có lòng tin chân thật với Đức Phật, với giáo Pháp của Ngài và với Tam Bảo chưa, để từ đó bồi đắp lòng tin ngày càng lớn mạnh hơn.

Phương pháp tăng trưởng lòng tin với Tam Bảo

Việc gieo trồng và vun đắp hạt giống lòng tin nơi Phật, Pháp, Tăng – Tam Bảo là vô cùng quan trọng và cần thiết với mỗi chúng ta. Đặc biệt là những người con Phật. Muốn tiến tu, muốn chứng nghiệm được sự an lạc hạnh phúc của giáo Pháp thì chúng ta cần phải làm tăng trưởng lòng tin cho mình.

Thân cận các bậc thiện hữu tri thức để tăng trưởng lòng tin

Nhà vật lý học người Đức Albert Einstein từng nói: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”.

Chúng ta biết rằng, giáo Pháp của Phật rất sâu xa màu nhiệm, giáo Pháp ấy còn vượt lên trên và dẫn đường cho khoa học. Những lời dạy của Ngài bao gồm cả về thế giới siêu nhiên và thế giới tự nhiên. Nếu chúng ta chỉ sử dụng kiến thức, tư duy logic của người thế gian mà nghiên cứu giáo Pháp thì chắc chắn có những điều khó tin. Nếu không có lòng tin kiên cố, thì những bài Pháp vi diệu của Đức Phật có thể khiến chúng ta cảm thấy mông lung, mất phương hướng, không biết nên hiểu thế nào cho đúng hay nên tu tập thế nào để được thành tựu. Cũng vì thế mà nhiều người thối tâm, nghi ngờ giáo Pháp dẫn đến việc giảng sai, nói sai và thực hành sai lời dạy của Đức Phật.

Nếu lòng tin mình còn yếu kém, chưa tin Phật đầy đủ; giáo Pháp Phật mình cũng lơ mơ chưa tin, đối với chúng Tăng thanh tịnh mình cũng không tin thì phải “chấn chỉnh” lại, phải tìm cách để cho mình có đầy đủ lòng tin. Hãy gần gũi với những bạn đạo đã có lòng tin đầy đủ vì người ta có trí tuệ. Gần gũi với thiện hữu tri thức, với các bậc Thầy có đủ duyên để gạn lọc cho mình có đủ lòng tin, để cho mình tăng trưởng lòng tin.

Học Pháp để tăng trưởng lòng tin

Giáo Pháp của Đức Phật như ngọn đèn sáng giúp chúng sinh thoát khỏi mọi sự khổ của sinh tử luân hồi, cho nên tất cả quý Phật tử, thiện nam, tín nữ khi vào trong biển Phật Pháp này phải tôi luyện cho mình được đức tin và làm cho đức tin ngày càng lớn mạnh, tín tâm ngày càng thuận thành, đầy đủ. Mà muốn như thế thì phải học Pháp. Chúng ta sở dĩ tin bất thoái cũng do mình học Pháp. Đã dứt tất cả các nghi ngờ rồi cho nên mình không còn nghi ngại gì nữa; muốn thế phải học Pháp, phải tìm hiểu Pháp. Chứ không thể nói, không học mà mình tin được đâu. Cho nên phải rèn bằng được đức tin này vì nó vô cùng quan trọng và rất cần thiết.

Hiện nay, nhiều người có quan điểm, tu Phật mà không cần tìm hiểu, nghiên cứu lời Đức Phật dạy. Từ đó xảy ra tình trạng tu sai, tu lầm đường lạc lối, giảng sai lời Đức Phật dạy. Ai bảo tu Phật không phải học là không đúng. Chỉ trừ những trường hợp các bậc Thánh Nhân tái lai, Bồ Tát, chư Phật tái lai vì các Ngài trong tiền kiếp đã chứng quả vô học cho nên kiếp này sinh ra không cần học, giống như Ngài Lục Tổ Huệ Năng. Còn mình vẫn chưa chứng quả vô học tức là mình còn phải học rất nhiều, phải đi học, phải nghe Pháp để hiểu, để thấm, để tu…

Nguồn: giacngo.vn