KÍNH LỄ CÁC ĐỨC PHẬT

VĐO.GCX – Mười Điều Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ-tát nằm trong quyển cuối của Kinh Hoa Nghiêm, do ngài Bát-nhã Pháp Sư dịch từ Phạn văn ra Hán văn, sư ông Thích Trí Tịnh dịch từ Hán văn ra Việt văn. Mỗi khi đọc mười điều nguyện vương, dù là đọc thầm trong tâm hay lớn tiếng xưng tụng, bản thân phàm phu của con đều cảm nhận được những điều nhỏ nhen thường tình chợt tan biến mà thay vào đó là cái mảnh tâm trải rộng ra theo sự bao la vô tận thậm thâm vi diệu của từng đại nguyện được cất lên…


Mười Điều Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ-tát nằm trong quyển cuối của Kinh Hoa Nghiêm, do ngài Bát-nhã Pháp Sư dịch từ Phạn văn ra Hán văn, sư ông Thích Trí Tịnh dịch từ Hán văn ra Việt văn. Mỗi khi đọc mười điều nguyện vương, dù là đọc thầm trong tâm hay lớn tiếng xưng tụng, bản thân phàm phu của con đều cảm nhận được những điều nhỏ nhen thường tình chợt tan biến mà thay vào đó là cái mảnh tâm trải rộng ra theo sự bao la vô tận thậm thâm vi diệu của từng đại nguyện được cất lên:

Một là kính lễ các đức Phật

Hai là xưng tán đức Như Lai

Ba là rộng sắm đồ cúng dường

Bốn là sám hối các nghiệp chướng

Năm là tùy hỷ các công đức

Sáu là thỉnh đức Phật thuyết Pháp

Bảy là thỉnh đức Phật ở lại đời

Tám là thường học tập theo Phật

Chín là hằng thuận lợi chúng sanh

Mười là hồi hướng khắp tất cả

Trước đây, bằng con mắt phàm phu ngu si, con đã kính lễ chư Phật một cách “đầy cố chấp”: phải đến trước tượng, hình ảnh của Phật lễ lạy thì Phật mới chứng minh. Giả sử có ai lạy trước mặt hoặc vật gì che khuất hình tượng Phật, Bồ-tát, trong tâm con không vui, nhiều lúc có chút lửa sân trong lòng. Lúc đó con nào đâu biết được Đại Nguyện Vương đầu tiên của Phổ Hiền Bồ-tát dạy về cách lễ kính các đức Phật: “Bao nhiêu các đức Phật Thế Tôn nhiều như số cực vi trần trong cõi Phật khắp pháp giới hư không giới mười phương ba đời, tôi do nơi hạnh nguyện của Phổ Hiền thâm tâm tín giải như đối trước mắt, đều dùng thân khẩu ý ba nghiệp thanh tịnh thường tu hạnh lễ kính. Nơi mỗi đức Phật đều hóa hiện thân nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết cõi Phật. Mỗi thân đều khắp lễ kính các đức Phật nhiều như số cực vi trần trong bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật.” Đức Phật luôn ở xung quanh chúng ta, do mắt phàm phu nên con không nhìn thấy được, đọc nguyện vương thứ nhất con bắt đầu chỉnh sửa lại tác phong của mình, dù chỗ đông người hay chốn vắng vẻ một mình, dù có vật cản hay không, đều cố gắng giữ cho thân khẩu ý thanh tịnh như đối trước Phật. Mỗi khi lễ lạy Phật, con thầm quán tưởng con đang không chỉ đảnh lễ tượng Phật trước mắt mình mà đang đảnh lễ cả khắp pháp giới hư không giới mười phương ba đời chư Phật, Pháp, Tăng. Từ đó, tâm con trở nên thư thái, không còn gúc mắc như trước nữa.

Lòng con tôn kính Phổ Hiền Bồ-tát vô cùng vô tận bởi hạnh nguyện kính lễ đức Phật của Ngài thậm thâm vi diệu. “Cõi hư không kia hết, sự lễ kính của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không chẳng cùng tận nên sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận.” Điều khiến cho con bái phục đức hạnh cao dày của Bồ-tát Phổ Hiền đó chính là sự tinh tấn thực hành hạnh nguyện “Niệm niệm nối luôn không hở, ba nghiệp thân khẩu ý không hề nhàm mỏi”. Ôi! Phàm phu luân hồi sanh tử sáu nẻo khổ đau do nhiều nguyên nhân, không ngoài sự giải đãi nơi tâm, biết mà không chịu thực hành theo lời Phật dạy để giải thoát. Con không hứa trước nhưng con vẫn đang cố gắng mỗi ngày đọc một lần Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện hoặc thâm tâm nhớ nghĩ tụng niệm Mười Điều Nguyện Vương như trên.

Đúng như “Lời tựa” của Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện, Mười Điều Nguyện Vương là chánh nhân Phật Quả, là tịnh duyên của Tịnh độ. Do vậy, ngưỡng mong chư vị hữu duyên thường đọc kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện hay thường nhớ nghĩ, thực hành Mười Điều Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ-tát, ngõ hầu sự lợi ích không chỉ bó hẹp nơi đây mà trải rộng ra vô tận vô biên khắp pháp giới, hư không giới mười phương ba đời.

Nguyễn Thị Minh Ngọc

Scroll to Top