ĐỌC KINH VỚI TẤM LÒNG THÀNH KÍNH

Hiểu thấu kinh là rất quan trọng, nhưng áp dụng lời kinh, lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày lại là một công trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự kiên trì, một lập trường kiên định, và một trái tim từ bi nhân ái…

Tôi được biết Kinh có nghĩa là con đường tu hành, kinh như “một tràng hoa hay sợi tơ thẳng xuyên suốt” kết nối các nghĩa lý lại với nhau. Trong đạo Phật, tên gọi của kinh chính là tên gọi của các bài giảng mà đức Phật thuyết ra. Kinh dựa trên sự tín tâm, nhấn mạnh về lòng thành tâm của người đọc người nghe, giúp người trì tụng gạn lọc thân tâm và tìm về với bổn tánh chân tâm của chính mình.

Trong khi các tôn giáo khác có những bộ kinh riêng biệt, ví như ngày xưa giai cấp Bà-la-môn ở Ấn Độ thường trì tụng kinh Vệ Đà, Đạo chúa thì có kinh Thánh, …. Còn đạo Phật thì có Tam Tạng kinh điển là: Kinh tạng, Luật tạng, và Luận tạng. Trong hệ thống kinh điển đại thừa có rất nhiều kinh sách khác nhau như Diệu Pháp Liên Hoa kinh, Hoa Nghiêm kinh, Đại Bát Niết Bàn kinh, Đại Bát Nhã kinh, Đại Bảo Tích kinh, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Kinh, A Mi Đà kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh, Địa Tạng kinh…v…v… những kinh này đã được nhiều dịch giả chuyển sang Việt ngữ, trong đó có sư ông chùa Vạn Đức – cố Đại lão Hòa Thượng Thượng Trí Hạ Tịnh.

Kho tàng kinh, luật, luận được lưu truyền tới tận bây giờ, trải qua nhiều thế hệ hơn 2560 năm qua. Suốt cuộc đời hoằng pháp, trong 49 năm thuyết pháp độ đời, đức Phật không hề viết sách, tất cả kim ngôn hay lời dạy của Người được truyền thừa lại qua truyền thống tụng đọc thuộc lòng của các vị đệ tử Phật, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chính những lần kết tập kinh điển của các vị đệ tử Phật là nhân duyên để tổng hợp và ghi lại tất cả “lời Phật dạy”, tạo thành kho tàng kinh luật. Kinh là “chánh pháp, là con đường giúp muôn loài thoát khỏi u mê lầm lỡ để tìm thấy ánh sáng nơi tự tâm chân thật của mình”. Kinh là hiện thân của chư Phật, chư Bồ-tát… là phương tiện giúp mọi người thoát khỏi sự chìm nổi trong biển luân hồi sanh tử.

Vì là lời Phật thuyết ra nên kinh là sự chân thực, là đạo lý đúng đắn, là sự thật tuyệt đối mà trong đời sống mọi người, mọi loài… bất cứ ai cũng phải công nhận. Quý vị nào đã từng trải trong cuộc sống, hay trải qua những biến cố của cuộc đời thì chắc phải tán thán rằng lời kinh Phật không bao giờ sai cả. Như trong kinh Dược Sư có một đoạn ghi lại lời Tôn giả A Nan thưa với đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, đối với Khế Kinh của Như Lai nói không bao giờ tôi sanh tâm nghi hoặc. Tại sao, vì những nghiệp thân, khẩu, ý của các Đức Như Lai đều thanh tịnh. Bạch Đức Thế Tôn, mặt trời mặt trăng có thể rơi xuống, núi Diệu Cao có thể lay động nhưng những lời của chư Phật nói ra không bao giờ sai được”. Lời chư Phật nói không bao giờ sai, dù vạn vật đổi dời, vì lời nói ấy xuất phát từ người có thân khẩu ý đều thanh tịnh, thì những bộ kinh ghi chép lại lời của Phật cũng không thể sai phải không quý đạo hữu!

Nhưng chúng ta hình như đã lãng quên rằng “ngày hôm nay, để có một cuốn kinh sách chứa đựng bao nhiêu sự huyền diệu và mầu nhiệm cùng chân lý đúng đắn ấy, biết bao nhiêu thế hệ, biết bao nhiêu người đã thầm lặng cống hiến, hi sinh rất nhiều, thậm chí phải từ bỏ thân mạng này để “duy trì chánh pháp”. Những tấm gương sáng ngời ấy đã từng đọc, và hiểu lời kinh, thấu suốt lời Phật dạy. Họ mong thế hệ sau này cũng được thấm nhuần đạo lý tốt đẹp và tìm thấy con đường giác ngộ, thoát khỏi nẻo khổ, nên các vị tiền bối của chúng ta đã dành hết thời gian của cuộc đời mình để gìn giữ, bảo vệ kho tàng Kinh điển.

Các vị ấy đã vượt qua biết bao khó khăn và trắc trở vì  kiến chấp của xã hội, vì những sự bảo thủ, tham đắm tiền tài địa vị, mưu quyền đoạt lợi, rồi phải đương đầu với mâu thuẫn giữa người với người, những cuộc chiến tranh khốc liệt, tang thương. Ở thời điểm nào, xã hội nào cũng có những thế lực chống đối cản trở “chánh pháp”, chúng sanh thì mê muội không biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là chân lý đúng đắn của cuộc đời.

Nên việc duy trì chân lý đâu phải dễ dàng. Các vị tiền bối của chúng ta đã vì sự phát triển của đạo Pháp mà chấp nhận hy sinh bản thân mình, ví như thuở trước, tại đất nước Ấn Độ, Ngài Tôn Giả A-nan – đại đệ tử của Đức Phật  đã dùng lửa tam muội thiêu thân, nhập diệt tại sông Hằng để xóa bỏ nỗi bất hòa giữa 2 nước Tỳ-xá-ly và Ma-kiệt-đà; Ở nước ta, năm 1963, HT. Thích Quảng Đức đã vì Pháp thiêu thân, khiến chính quyền Ngô Đình Diệm phải ký quyết định trả quyền tự do cho Phật giáo trên toàn quốc. Năm xưa, Sư ông Vạn Đức – cố đại lão HT. Thượng Trí Hạ Tịnh đã từng cố gắng vượt qua cơn sốt rét thập tử nhất sinh, để biên chép phiên dịch bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa và còn rất nhiều tấm gương sáng ngời hy sinh vì đạo Pháp, để gìn giữ truyền thống văn hóa Phật giáo tốt đẹp cho tới tận ngày hôm nay …

Vậy nên, khi cầm trên tay một cuốn kinh Phật, trong lòng mỗi chúng ta nên tự hào rằng mình đang cầm trên tay chìa khóa của chánh pháp, niềm tin của những vị tiền bối xưa. Kinh là Phật, là chân như mầu nhiệm. Quý thầy trong chùa rất trân trọng kinh, nâng niu và gìn giữ như một tài sản tinh thần vô giá vậy. Có chăng chúng ta cũng nên làm như thế.

Và tôi chợt nhớ lời nói của Phật “Tin ta mà không hiểu ta, là phỉ báng ta”. Chúng ta đã trân trọng gìn giữ kinh sách rồi, nhưng cần dành thời gian để đọc tụng và hiểu thấu lời kinh. Có những lời kinh uyên thâm huyền diệu, có những hình ảnh mầu nhiệm tuyệt vời. Chúng ta phải hiểu thấu kinh sách thì mới tìm thấy được Phật tánh chân như trong tự tâm, khi ấy phương tiện giải thoát mới hiện diện.

Có những lần đọc tụng kinh, tôi và nhiều quý vị đạo hữu đã khóc, nghẹn ngào vì lời kinh quá chân thực, chúng tôi cảm nhận được rằng Phật và các vị đệ tử của người là đoàn thể những người có tấm lòng từ bi cao thượng, đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, và cũng là vì chúng tôi  tìm được nẻo thoát của cuộc đời từ những phương tiện “cứu khổ” mà kinh mang lại. Cuộc sống đời thường lắm bon chen và nhiều ngã rẽ, nhưng chỉ cần khoác lên mình một chiếc áo tràng lam, và ngồi ngay thẳng rồi tụng một thời kinh cùng quý thầy và đạo hữu, hoặc giả chỉ tụng đọc một mình. Còn gì hơn thế, ví như cả thế giới được mở ra trước mắt, mọi thứ trên đời đều trở nên giả tạm, thân tâm chúng ta cảm thấy an lạc và bình yên trong giờ phút hiện tại.

Vậy đọc kinh, niệm Phật và tụng thần chú… đọc như thế nào mới có được sự an tịnh trong cuộc sống hằng ngày, đọc kinh như thế nào để có được lợi lạc cho bản thân, gia đình, cùng chúng sanh muôn loài?

Có lẽ qua câu chuyện dưới đây, tôi cùng quý vị đạo hữu sẽ hiểu được làm thế nào để đạt được thành tựu và có được lợi lạc trong việc đọc tụng kinh Phật.

“Vào những năm Gia Tĩnh triều Minh, ở Trung Hoa, có một anh hùng dân tộc nổi tiếng chống lại hải tặc Nhật Bản, đó là tướng quân Thích Kế Quang. Thích tướng quân không chỉ yêu nước thương dân, mà còn là một người rất tin vào Phật Pháp. Thích tướng quân hàng ngày đều tụng niệm kinh Phật, ngay cả khi ông ở trong quân đội. Khi đảm nhiệm chức Phó Tổng Chỉ huy, ông một lần mơ thấy một binh sĩ bị tử trận đến nói với ông: “Ngày mai vợ tôi sẽ ở đây. Xin ông tụng một quyển kinh Phật để giúp tôi được siêu thoát.”

Ngày hôm sau, vợ người lính bị tử trận quả nhiên đến. Thích Kế Quang bèn tụng một quyển kinh cho người lính vào sáng hôm đó. Đến đêm, ông có giấc mơ về người lính cảm tạ ông như sau: “Cảm tạ chủ soái đã tự mình tụng kinh cho tôi. Nhưng vì ngài thêm vào từ ‘không cần’ khi tụng niệm, tôi tuy có thể thoát khỏi thống khổ nhưng vẫn không thể siêu sinh.”

Thích Kế Quang thất kinh. Ông nhớ lại rằng khi ông đang tụng kinh, vợ ông cử một nữ tì tới đưa trà cho ông, và ông đã xua tay từ chối. Mặc dù ông không hề nói gì, nhưng điều đó có nghĩa là “không cần”. Thế là ông đóng cửa lại và bắt đầu tụng kinh một cách thành kính. Rồi ông mơ thấy người lính tới cảm ơn ông và nói rằng anh ta đã được siêu sinh”.

Qua câu chuyện kể trên, quý vị đạo hữu có nhận thấy được rằng rất nhiều chúng sanh hữu tình dù người còn, kẻ mất cũng tha thiết được nghe những lời chân thật trong kinh, qua sự tụng đọc của quý vị. Phải chăng “ đọc tụng kinh có công năng siêu độ vong linh người đã khuất, cảm hóa và sửa đổi tâm tánh của người đọc người nghe, an định được thân tâm và giúp chúng ta dừng lại những nghiệp ác, xa lìa tham sân si. Từ đó làm tăng trưởng phước lành và nuôi dưỡng những hạt giống bồ-đề tâm lương thiện”.

Bài học được rút ra từ câu chuyện này là mỗi chúng ta phải tuyệt đối thành kính trong việc tu tập, dù là đọc kinh, niệm Phật, trì tụng thần chú. Nhất định phải tĩnh tâm, tập trung tư tưởng, không mang tạp niệm, có như vậy mới đạt được hiệu quả tốt nhất.

Tâm chúng ta khi đọc kinh thì không được nghĩ tới những sự việc nơi cuộc sống đời thường nữa, tạm gác lại mọi việc để hòa vào lời kinh, đi theo mạch cảm xúc của kinh, bước từng bước theo dấu chân của Phật. Lúc ấy chúng ta như đang sống trong “thế giới tịnh độ” để trực tiếp nghe lời Phật dạy. Mỗi chúng ta khi đọc kinh, thời chẳng nên nghĩ tới những vọng tưởng đảo điên, những sắc tướng hình thái giả tạm, mà nên nhiếp tâm. Chính là tập trung cao độ như thể chỉ có một mình ta ngồi thiền nơi bờ suối mát trong.

Chúng ta nên nghĩ tới hình ảnh từ bi của chư Phật, chư Bồ-tát, nghĩ tới những vị tiền bối đã có công gìn giữ kinh sách này, và suy nghĩ rằng: “ta là ai, ta đang ở đâu và ta sẽ cần phải làm gì ngay từ bây giờ để có được lợi ích thiết thực như lời kinh Phật dạy”. Chỉ một phút giây xao nhãng thì có khác chi thuyền của chúng ta bị hư giữa dòng sông không quay về được mà cũng chẳng tới bờ được. Điều cần thiết nữa là quý vị phải luôn duy trì ba nghiệp là thân, khẩu, ý của mình được thanh tịnh, nghĩa là hành vi thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý nghĩ tâm hồn thanh tịnh. Đọc kinh không phải là đọc cho lớn, cho hay, hoặc đọc cho thuộc hay đọc cho nhanh. Chỉ cần quý vị đọc rành mạch từng câu từng chữ, không để sai sót gì cả với một tấm lòng thiết tha hướng về Tam Bảo thì hẳn sẽ có thành tựu. Nhanh hay chậm tùy thuộc vào mỗi người , chỉ cần quý đạo hữu luôn giữ được tâm thanh tịnh  hiểu được lời dạy ân cần của Phật trong những cuốn Kinh.

Tôi cảm nhận được mọi người xung quanh mình, những ai thường đọc tụng kinh, niệm Phật, tụng chú… thì người ấy trở nên khéo léo và sống tỉnh thức mỗi ngày. Họ biết tùy thuận theo hoàn cảnh, họ có ý tứ trong cách cư xử với người xung quanh, tính tình họ thì hài hòa nhu mỳ, phong thái của họ trở nên oai nghi và đức hạnh.

Trong thời buổi hiện nay, nhiều người không “mặn mà” với kinh sách, họ tỏ ra thờ ơ hững hờ… có lẽ do họ không thấy được lợi ích thiết thực của kinh và việc tụng đọc kinh hằng ngày. Và có những người thấy xung quanh mình có ai đó đọc kinh niệm Phật thì họ sợ hãi, la mắng, khó chịu, nóng giận… có lẽ là do họ làm những việc sai trái quá nhiều, họ luôn sống giả dối trong cuộc đời mình, nên khi nghe được những lời chân thật được ghi chép lại trong Kinh thì họ tỏ thái độ không vui. Người ta thường nói “sự thật thì khó chấp nhận mà nói thật thì mất lòng”.

Hiểu thấu kinh là rất quan trọng, nhưng áp dụng lời kinh, lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày lại là một công trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự kiên trì, một lập trường kiên định, và một trái tim từ bi nhân ái. Đã có chìa khóa của chánh Pháp trong tay thì quý đạo hữu hãy nên nắm giữ, đừng buông lung và cũng đừng quá khuôn khổ nhất nhất theo lời kinh mà quên mất tinh thần “tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên” của nhà Phật. Chúng ta nên dung hòa giữa đạo và đời một cách khéo léo. Hãy luôn thành tâm và quy hướng về Chánh Pháp. Khi niềm tin nơi chánh pháp còn tồn tại, bài kệ câu kinh được tụng đọc và hành trì một cách đúng đắn, thì dù ở đâu, làm gì thân tâm chúng ta cũng sẽ bình an!

Hiền Minh 

Scroll to Top