GNO – Ăn chay – là xu hướng ăn uống lành mạnh của người hiện đại, trong ý nghĩa mong muốn đóng góp một lối sống lành mạnh: sống xanh..
Sống xanh (có nhiều cách) nhưng trong cách chọn lựa phương thức ăn chay cũng là giúp bảo vệ sức khỏe trước nhiều nguy cơ do ăn mặn đưa tới (đã được các tổ chức y khoa thế giới đưa ra lời khuyên).
Ăn chay đơn giản, nhẹ nơi thân lẫn tâm – Ảnh minh họa
Ở khía cạnh thực tập Phật pháp, ngày càng có nhiều người phát nguyện ăn chay vì hiểu, việc ăn ấy đưa tới giảm thiểu sát sinh (để phục vụ cho chuyện ăn của mình). Từ đó, giảm bớt việc nạp vào cơ thể những sản phẩm mà trước đó, để tạo ra nó là cả quá trình làm thịt, xào, nấu gây đau đớn cho loài khác. Như vậy, việc ăn của mình phần nào góp phần nuôi dưỡng từ tâm với loài khác.
Tất nhiên, thực tập từ bi hay tu theo Phật không chỉ có mỗi việc ăn chay mà còn nhiều phương tiện khác, tiến hành trên ba phương diện ý-khẩu-thân. Do vậy, việc đánh đồng người ăn chay là một Phật tử lý tưởng của nhiều người thường sẽ thiếu chính xác. Theo đó, có người ăn chay vẫn còn hành xử sân si, tham lam… là việc họ chưa tròn hạnh tu, đừng nên quy chụp Phật tử mà vậy hay ăn chay mà thế này thế nọ chi cho phiền (chính mình).
Trở lại việc ăn chay, nhiều người nghĩ rằng, mỗi năm ăn chay ngày mùng một đầu năm là đủ cho cả năm hoặc chỉ ăn ba-bốn rằm lớn (như rằm tháng Giêng, tháng Tư, tháng Bảy) là coi như “hoàn thành nghĩa vụ chay lạc”. Thực ra, với ý nghĩa ăn chay như trình bày ở trên thì ăn càng nhiều ngày càng tốt.
Đối với Phật tử học Phật thì cũng không nên xem rằm nào lớn nhỏ, hoặc ngày tốt xấu chi cho… thêm cái phân biệt rồi dính mắc lại. Cứ phát nguyện thực tập tất cả việc lành, trong đó có ăn chay, trong mọi lúc có thể, sắp xếp để làm một cách tích cực và hoan hỷ với việc lành đó.
Thêm nữa, việc ăn chay vào những ngày rằm (bị xem là rằm lớn) thường sẽ gặp cảnh chen lấn (kể cả về chùa hoặc tới quán ăn). Để tránh chuyện ăn chay mà thêm… sân si, mỗi người nên đơn giản hóa chuyện này. Không nên nghĩ rằm “lớn” về chùa ăn cho có phước, ăn như cách lấy lộc chùa – bởi tới chùa ăn uống, để người khác (trong đó có quý thầy, sư cô, Phật tử) phục vụ mình đã là… hao phước rồi. Do vậy, nếu có tới chùa ăn uống thì nên phụ việc (chấp tác) hoặc cúng dường để phụ chùa lo cho những Phật sự khác; đồng thời, ăn với tâm niệm biết ơn “thực phẩm này là tặng phẩm của đất trời và công lao tác”, ăn vừa đủ no, không bỏ phí…
Nếu đi quán ăn, lỡ như quán đông khách, thì có thể hoan hỷ đợi chờ, tuân thủ quy định xếp hàng, cảm thông với nhân viên phục vụ… để bữa chay vừa thanh đạm nơi thân lẫn nhẹ nhàng nơi tâm. Nếu được, thiết nghĩ, bạn có thể tự chuẩn bị một bữa chay ít cầu kỳ nhất, để giảm tải tại các quán chay trong những ngày rằm, mùng một – cũng là một cách tránh va chạm ngoài ý muốn trong quá trình ăn chay của mình.
Lưu Đình Long