CÁI GÁNH

Mẹ gánh cả tuổi thơ con trên quang gánh cuộc đời. Gánh cả những ước mơ khi con bước vào giảng đường đại học. Đôi quang gánh đã bao lần thay mới. Mà đôi vai gầy mẹ vẫn gánh tiếp những mùa qua…


Cách đây gần 30 năm, lúc ấy tôi độ khoảng 13-14 tuổi, điều kiện sinh hoạt lúc bấy giờ rất thấp, kinh tế gia đình chật vật khó khăn, thiếu trước hụt sau. Phần lớn các hộ gia đình đều dựa vào nghề làm nông là chính, quanh năm chỉ quẩn quanh với ruộng đồng. Gia đình tôi cũng không nằm ngoài hoàn cảnh ấy. Sáng sáng ra đồng cuốc đất, cấy lúa, nhổ cỏ, cắt lúa… nếu là mùa vụ, còn nếu ngoài mùa vụ thì trồng rau muống hay rau kèo nèo gì đó để kiếm thêm mà trang trải cho cuộc sống thường ngày. Thời ấy, học sinh cắp sách đến trường chỉ học một buổi sáng hoặc buổi chiều thôi, như vậy là tôi còn nửa ngày còn lại với mẹ đồng hành cùng với gánh rau muống.

Gánh rau muống đã trở thành người bạn thân mà hằng ngày chúng tôi phải chọn lấy. Từ tờ mờ sáng lúc mà mọi người đang còn chìm trong giấc ngủ say nồng, mẹ tôi đã vội thức dậy cùng với cái gánh ra ngoài đồng hái rau muống. Ngoài đồng, ếch kêu “ộp…ộp…”, trời tối đen như mực, hôm nào những ngày có trăng thì trời sáng được chút. Có hôm nước lớn, vừa bước chân xuống đám ruộng rau là nước lên đến lưng quần, có hôm trời mưa bờ đê trơn trợt, bùn đất lấm lem… ấy thế mà mẹ tôi vẫn cứ đều đặn trên vai mỗi sáng hai gánh rau. Gánh thứ nhất độ chừng khoảng 20 bó rau thôi vì vừa sức mình, tôi gánh bộ ra chợ Thủ Đức, bán xong là mua ít con cá biển hay vài con khô hoặc vài cái trứng hay ít miếng đậu hủ lâu lâu mới mua thịt một lần vì thịt đắc tiền hơn các thứ khác, gạo thì nhà có trồng lúa cũng đủ xoay xở đủ năm, còn món canh rau thì chắc chắn sẽ là canh chua rau muống nấu con mẻ, rau muống luộc, rau muống xào, hay rau kèo nèo nấu canh gì đó. Trong lúc tôi gánh rau ra chợ bán thì mẹ tôi vẫn cặm cụi tiếp tục hái rau để có được gánh thứ hai và gánh này “nặng hơn” và “nhiều hơn” gánh thứ nhất. Và đây là cái gánh của mẹ.

Mẹ tôi dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, da đen, khô gầy do phải tất bật với vô vàn công việc từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài mà chỉ một mình mẹ lo liệu. Là người phụ nữ ở độ tuổi ngũ tuần đáng ra phải được phụng dưỡng từ con cháu nhưng có ai ngờ mẹ lại là nguồn lao động chính cho việc mưu sinh của gia đình, nào là cơm áo gạo tiền, nào là ơn nghĩa, nào là áo quần, nào à học phí của con, nào là bệnh đau, nào là nhà dột, và rất…rất là nhiều cái “nào là…” đang chờ mẹ.

Có hôm, vì nhọc nhằn mưu sinh, sức khỏe bào mòn, thân thể ốm gầy, ăn không được nhiều, mẹ lâm bệnh, khi bệnh mệt thì nằm nghỉ, vừa mới khỏe lại chút là nghĩ đến chuyện mưu sinh lại tiếp tục ra đồng làm cỏ lúa mướn hay đi cấy mướn hoặc hái ít mớ rau kèo nèo mang ra chợ bán. Có bữa thiếu gạo, phải nấu cơm độn với khoai lang, tới bữa cơm mẹ bới phần cơm cho chúng tôi, phần khoai thuộc về phần mẹ.

Dù người nhỏ nhắn, dáng gầy gò nhưng tình thương không nhỏ, mẹ tôi gánh cả tình thương cho tôi từ thuở bé, gánh cả trách nhiệm vừa làm mẹ vừa là cha, gánh cả bất hạnh một gia đình lận đận, gánh trên vai những nhọc nhằn gian khổ để nuôi con khôn lớn, gánh những chông chênh của cuộc đời để che chở cho đàn con, gánh chúng con đến suốt cuộc đời… Mẹ gánh đến chai cả vai, sờn cả áo mà vẫn chưa buông gánh được.

Cho dù nhọc nhằn gian lao là thế, mẹ vẫn là niềm tin yêu vững chắc nhất của con, mỗi bước tiến của con luôn luôn có hình bóng mẹ cạnh bên, con càng vươn xa bao nhiêu thì mẹ luôn là hậu phương vững chắc cho con bấy nhiêu. Mỗi chuyến con đi công tác xa nhà, dù không nói nhưng ánh mắt mẹ chứa chan “đi chừng nào về vậy con?” và mong mỏi ngày gặp con sớm nhất.

Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi, và nhiều mùa xuân như vậy mẹ tôi đã không còn hiện hữu nữa, dù có thực hiện ý chí thay vai “gánh” cho mẹ nhưng tôi cũng chỉ gánh được những thứ vật chất bên ngoài mà thôi, bên trong lòng mẹ vẫn chứa chan như biển cả, vẫn gồng gánh cùng đàn con thân yêu của mình đến suốt cuộc đời.

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào,
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào,
Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào,
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…”

Xin mượn lời hát trên để khép lại bài viết này mong rằng tất cả mọi người những ai còn cha còn mẹ, xin hãy trân quý và giữ gìn vì đó là tất cả các bạn nhé.

Diệu Hằng

Scroll to Top