“Nam mô A Mi Đà

Không gấp cũng không huỡn

Tâm tiếng hiệp khắn nhau

Thường niệm cho rành rõ”.

Khi hạ thủ công phu nơi một câu hồng danh của Phật “Nam mô A Mi Đà Phật” hay “A Mi Đà Phật”, phải niệm cho được vừa chừng, không quá mau (không gấp), cũng không quá chậm (không hưỡn), là niệm cho đều đặn. Kế đó, phải giữ làm sao cho tiếng niệm Phật cùng với tâm mình hiệp khắn nhau, nghĩa là tâm phải duyên theo tiếng, tiếng phải nằm ở trong tâm, không để cho nó xao lãng theo một tiếng gì khác. Hễ nó thoạt rời đi thì phải nhiếp kéo nó trở lại liền, để cho nó trụ nơi cái tiếng, như vậy gọi là “tâm tiếng hiệp khắn nhau”. Nghĩa là cái tâm và cái tiếng không khi nào rời nhau, mà tâm và tiếng không rời nhau thì đó mới gọi rằng thiết thật niệm Phật. Chớ nếu trong lúc mình niệm Phật mà lại tưởng và niệm những việc khác, đó là mình niệm việc khác chớ đâu phải là thật niệm Phật. Nếu là thật niệm Phật thì trong tâm mình chỉ nhớ và tưởng Phật mà thôi. Bây giờ niệm danh hiệu Phật, tất nhiên là mình nhớ và tưởng lấy ở nơi cái tiếng niệm Phật, cái hiệu của Phật, như vậy mới gọi là thiết thật niệm Phật. Thành ra, mình làm cái gì cũng phải cho thiết thật trúng cái đó, chớ nếu sai đi, tất nhiên khó có thể thành công được, do đó mới có câu “tâm tiếng hiệp khắn nhau”. Nên nhớ kỹ lắm mới được! Khi niệm Phật phải nhớ câu đó và phải làm cho đúng theo mới có lợi lạc. Nếu được tâm tiếng hiệp khắn nhau như vậy mới gọi là niệm đúng cách và thiết thật.

Giờ đây, phải “thường niệm cho rành rõ”. Tâm tiếng hiệp khắn nhau rồi, nhưng phải để ý cho nó rành. Rành là rành rẽ, tức là từ tiếng, từ câu không có lộn lạo; còn rõ là rõ ràng. Tiếng niệm Phật cho rõ ràng, hễ “Nam” thì rõ tiếng “Nam”, “A” thì “A”, cho đến “Phật” thì “Phật”. Cái tiếng không trại đi, phải cho thật rõ, vì điều này rất cần lắm. Nếu mình niệm mà không nhận cho rành rẽ và rõ ràng, niệm một cách bơ thờ, về sau khi công phu được thuần thục, mà khi thuần rồi, cái niệm trong tâm nó tự nổi lên cũng không rành rõ, nó hơi trại đi. Còn nếu lúc nào cũng giữ cho nó rành rõ, thì khi thuần thục, trong tâm mình nó cũng nổi lên cái tiếng niệm Phật rõ lắm, điều này rất quan trọng. Nên nhớ chữ “thường”, nếu muốn được cái tâm mà về sau nó tự niệm lấy nó, không cần phải ép buộc nó mới niệm, phải thường, nghĩa là luôn luôn niệm cho được nhiều giờ và thời gian cho được tương tục nên gọi là thường. Chớ nếu trong một ngày, một đêm mà chỉ niệm có một hay hai tiếng đồng hồ thôi, còn 22 tiếng kia lại nghĩ việc này việc nọ thì biết bao giờ tâm mới thuần thục được! Phải tập cho nó niệm luôn, lâu ngày thành quen thuộc. Nhưng bây giờ mình bận đủ các công việc, đâu phải như những vị rảnh rang cấm túc, kiết thất hay là tịnh niệm, tịnh khẩu chẳng hạn, vậy mình phải làm sao đây? Tất nhiên, trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi và lúc rảnh, phải bắt tâm mình nó niệm Phật, trừ khi nào tâm mình bắt buộc chú trọng đến những công việc gì khác, nhưng xong rồi phải nhớ niệm Phật lại. Ví như lúc mặc áo cũng niệm Phật được, bởi vì lúc đó cái tâm có thể rảnh để niệm Phật. Lúc ngồi ăn cơm cũng vẫn niệm Phật được, hoặc lúc nằm nghỉ… chớ không phải chỉ niệm Phật lúc ở trước bàn Phật, có chuông, có mõ quỳ nơi đó. Nếu chỉ có như vậy thì thời gian ít lắm, không thể gọi là thường làm được, và nếu không làm được như vậy thì khó thuần thục, khó thành thói quen. Về công hạnh niệm Phật, điều đó cần phải nhớ lắm mới được.

“Nhiếp tâm là Định học.

Nhận rõ chính Huệ học.

Chánh niệm trừ vọng hoặc.

Giới thể đồng thời đủ”.

Trong một câu niệm Phật gồm cả ba môn Vô lậu học mà các vị đệ tử của Phật cần phải thực hành, là Giới, Định và Huệ. Như vậy, trong câu niệm Phật đang thực hành mà tương ưng với Giới, Định, Huệ là thế nào? Đáng lẽ là bài kệ phải nói Giới trước rồi mới Định và Huệ, nhưng vì phải theo việc trình bày, thành ra phải để Giới về sau.

Trước hết là mình nhiếp tâm niệm Phật, không nghĩ việc gì khác, tâm trụ nơi câu niệm Phật thôi, đó là mình đang học về môn Định. Đây là nói học về môn Định chớ không phải được Định. Nhưng đã học môn Định thì tương ưng với Định, một ngày kia sẽ được Định. Đó là môn Vô lậu học thứ nhất, gọi rằng Định học.

Kế đó, trong lúc niệm Phật, tâm và tiếng hiệp khắn nhau, mình lại nhận biết rõ ràng và rành rẽ câu Phật hiệu. Tất nhiên trong lúc đó, tâm mình sáng nên mới nhận được rành rẽ và rõ ràng, chớ nếu không sáng thì làm sao mình nhận được rành rõ. Cái sáng đó nó tương ưng với Huệ, đây là môn Vô lậu học thứ hai, gọi là Huệ học. Và trong lúc niệm Phật thì không có những vọng tưởng, tất nhiên không có những lỗi lầm là tương ưng với Giới. Đây là môn Vô lậu học thứ ba, gọi rằng môn học về Giới.

Đó là từ dưới đi lên trên, hay là bắt từ trên trở xuống dưới thì nhiếp tâm thuộc về Định học. Tâm mình nhận rành rẽ và rõ ràng đối với câu niệm Phật là tâm sáng, tương ưng với Huệ học. Vọng niệm không khởi, chánh niệm hiện tiền, không có sự lỗi lầm trong lúc niệm Phật tức là tương ưng với Giới. Như vậy, trong lúc mình thực hành một câu niệm Phật đủ cả ba môn Vô lậu học (Giới, Định, Huệ). Mà đã tương ưng với Giới, Định, Huệ rồi thì một ngày kia, khi câu niệm Phật được thuần, tất nhiên sẽ thành tựu được cả ba môn Vô lậu học. Như vậy, mình thấy trong hiện đời, đã có sự lợi ích rất lớn là được điều nhiếp thân tâm đi vào nơi pháp lành, tương ưng với ba môn Vô lậu học là ba điều mà Đức Phật dạy. Hễ đệ tử Phật, dù xuất gia hay tại gia đều phải tu tập và trong tương lai, tất nhiên nhờ ở nơi Tịnh nghiệp mình tu hành đó sẽ được vãng sanh về Cực Lạc thế giới, bảo đảm sự giải thoát thẳng đến lúc thành Phật không thối chuyển.

Như vậy, pháp môn Niệm Phật, nếu mình suy nghĩ kỹ, sẽ thấy lợi ích lớn biết chừng nào. Cần phải noi theo và thực hành cho đúng và cũng phải cố gắng khuyên những người có duyên với mình đều phải tín, phải nguyện thực hành như mình để cho mình cùng tất cả mọi người đều được lợi ích nơi pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc thế giới mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy và đúng theo bản hoài của Ngài là muốn cho tất cả chúng sanh đều được thành Phật.

Tóm lại, mấy câu kệ trên nói về nơi hạ thủ công phu. Ở nơi một câu hồng danh của Phật “Nam mô A Mi Đà Phật” hay là “A Mi Đà Phật”, niệm cho vừa chừng, không quá mau gọi là không gấp, không quá chậm gọi là không hưỡn và nơi đó phải nhiếp tâm theo cái tiếng niệm Phật. Tâm với tiếng đi đôi với nhau, gọi là tâm tiếng hiệp khắn nhau. Phải niệm cho được nhiều giờ trong ngày đêm. Khi niệm, cái tiếng phải cho nó rõ ràng, nhận cho nó rành rõ, nên gọi rằng thường niệm cho rành rõ. Kế đó, mới hiệp câu niệm Phật cho tương ưng với ba môn Vô lậu học Giới, Định và Huệ. Khi mình niệm thì nhiếp tâm, không cho tán tâm, tâm trụ nơi tiếng niệm Phật. Như vậy gọi rằng tâm duyên nơi một cảnh, nghĩa là cái tâm ở nơi một cảnh hồng danh của Đức Phật, đó tất nhiên là học về môn Định. Và khi niệm đó thì trí rất sáng, nhận ra tiếng niệm Phật rõ ràng, từ câu rành rẽ. Trí sáng đó tất nhiên là tương ưng với môn Huệ học, lần lần trí huệ sẽ phát.

Trong khi mình niệm thì nhiếp tâm nơi chánh niệm, vọng niệm không xen vô, mà những lỗi lầm đều ở nơi vọng tâm phân biệt mà ra. Nay vọng tâm không có, tâm trụ ở chánh niệm, như vậy những lỗi lầm không có. Mà giới là chi? Tất nhiên là để ngăn, không cho thân khẩu ý tạo tội lỗi. Giờ đây, thân khẩu ý trụ nơi câu niệm Phật là chánh niệm thì không có những tội lỗi, tương ưng với Giới. Như vậy, trong một câu niệm Phật, lúc mình chuyên tâm đúng cách thì đầy đủ cả Giới Học, Định Học và Huệ Học. Khi Giới, Định, Huệ phát ra thì thành tựu, là chứng quả Thánh.

Giờ đây, mới tiếp tục để tiến lần thêm ở nơi cái phần niệm Phật cho nó được nơi Sự tam muội, hay Lý tam muội, tức là chánh định niệm Phật về Sự và chánh định niệm Phật về Lý. Theo đúng như trong kinh nói: “Người niệm Phật mà được ở nơi Sự tam muội, thì khi lâm chung chắc chắn vãng sanh, vãng sanh rồi tất nhiên không mất phần Trung phẩm, và nếu được gồm Lý niệm Phật nữa thì khi vãng sanh không mất phần Thượng phẩm. Thượng phẩm tức là bậc Đại Bồ tát. Trung phẩm là ngang hàng với bậc Thánh của Nhị thừa, thành ra không phải bậc thường được”. Đây theo nơi bài kệ để tuần tự giảng giải. Quý đạo hữu nên nghe kỹ và cố gắng, để mình đi được bước nào thì được bước nấy.

“Niệm lực được tương tục

Đúng nghĩa chấp trì danh

Nhất tâm Phật hiện tiền

Tam muội Sự thành tựu”.

Khi niệm Phật nhiếp tâm đúng cách như vậy rồi, niệm mỗi ngày mỗi đêm, niệm được nhiều giờ, nhiều thời gian gọi rằng thường niệm. Đã thường niệm rồi, trải qua một thời gian tất nhiên cái tâm được thuần thục. Khi tâm được thuần thục rồi thì nó có cái trớn niệm Phật nơi tâm. Lúc đó thì không còn cần phải tác ý, không cần phải dụng công, nhưng nơi tâm vẫn cứ tiếp tục nổi lên tiếng niệm Phật. Nhớ kỹ là cái tâm nổi lên tiếng niệm Phật không có gián đoạn, nghĩa là đi, đứng, nằm, ngồi, gì cũng nhận thấy rằng tâm mình nó vẫn có tiếng niệm Phật, không cần phải dụng công tác ý gì hết, đó gọi rằng là được niệm lực tương tục, là sức chánh niệm nối tiếp. Cho nên biết rằng, lúc mình tác ý dụng công thì phải cố gắng lắm cái tâm mới chịu duyên theo tiếng niệm Phật, nhưng thật ra trong lúc đó, tâm có nhiều khi không ở nơi mình, cái miệng niệm Phật, tiếng có phát ra mà cái tâm nhiều khi nó nhận ra câu thứ nhất, câu thứ nhì thì lơ là, hay là ở trong câu niệm Phật nó nhận tiếng “Phật” tiếng “A” gì đó, tiếng “Mô” lại lơ là. Còn giờ đây tâm tự niệm Phật, do sau khi mình niệm Phật được thường lâu ngày nó thuần thục. Nói lâu ngày đây, chớ như trình độ này, có người chỉ trong một ngày một đêm có thể được, nếu căn trí lanh lợi và tinh tấn. Có người chừng bảy ngày đã được rồi, còn người niệm Phật không được thường lắm thì phải thành ra lâu. Nếu được cái sức niệm Phật ở nơi tâm tự động nó niệm, gọi là bất niệm tự niệm thì được chánh niệm nối tiếp luôn gọi là niệm lực được tương tục, mới đúng với cái nghĩa chấp trì danh hiệu mà trong kinh A Mi Đà các đạo hữu thường tụng.

Thường thường, người tụng kinh A Mi Đà ít có để ý, vì lời Phật nói ra không phải là thông thường, cần phải để ý lắm. Hễ Phật nói nhất tâm thì nhất định là cái tâm phải chuyên nhất thôi, không được xen gì hết mới gọi là nhất tâm. Còn Phật nói nhất niệm thì tất nhiên là cái niệm phải cột nó lại trong một chỗ mới gọi là nhất niệm. Giờ đây, Phật gọi rằng chấp trì danh hiệu thì tất nhiên ở nơi danh hiệu Đức Phật, nơi hồng danh Đức Phật A Mi Đà hay là Nam mô A Mi Đà Phật, phải nắm cầm cho chắc, không lúc nào rời và không để cái gì xen tạp vô, như vậy mới gọi rằng cái tâm nó chỉ nắm cầm hay là giữ chắc một câu niệm Phật không rời. Nếu giữ chắc không rời câu niệm Phật mới gọi là niệm lực tương tục, dù không niệm tâm vẫn tự niệm, nói gọn lại là bất niệm tự niệm và cái chánh niệm nó được nối tiếp, nghĩa là tương tục. Đó mới thật là cái nghĩa chấp trì danh hiệu trong kinh A Mi Đà. Nên cuối câu kệ gọi rằng: “Niệm lực được tương tục. Đúng nghĩa chấp trì danh”.

Khi niệm lực được tương tục, tâm nắm giữ danh hiệu của Đức Phật mà không có một tạp niệm xen vô thì trong một thời gian, tâm vọng tưởng dừng lại, lìa hết tất cả cảnh ngũ trần, là sắc, thanh, hương, vị, xúc nó không còn duyên nữa. Lúc đó, dù có con kiến cắn cũng không hay, nghĩa là lìa nơi xúc trần, dù có mùi hương thoảng cũng không biết là lìa nơi hương trần và cho đến có tiếng chi một bên cũng không nghe, có cái chi ở trước mắt cũng không thấy, dù lúc đó mở mắt, mà cái tâm chỉ duyên rành rẽ ở câu niệm Phật và chỉ có nhận câu niệm Phật mà thôi. Lúc đó, trong thì quên thân, ngoài không duyên theo cảnh, cái tâm nó đứng lặng là” nhất tâm bất loạn”. Khi được như vậy rồi, trong kinh Vô Lượng Thọ nói, lúc đó Phật thân hiện, Phật A Mi Đà hiện cho đến Phật cảnh Cực Lạc hiện, nên câu kệ gọi rằng: “Nhất tâm Phật hiện tiền”. Đó là thành tựu được Sự tam muội. Câu kệ gọi là: “Tam muội sự thành tựu”. Chánh định thuộc về Sự, thì tâm mình chỉ trụ ở nơi câu niệm Phật. Trong quên thân, ngoài không duyên theo cảnh, và lúc đó Phật và Thánh cảnh hiện, nó thuộc về sự tướng. Nếu người được ngang đây thì sau khi vãng sanh bảo đảm ở nơi Trung phẩm, tất nhiên ngang với hàng Thánh của Nhị thừa. Còn nếu được “niệm lực tương tục, đúng nghĩa chấp trì danh” ở trên là bảo đảm vãng sanh, nhưng mà trong phẩm vị thì chưa chắc phẩm nào, còn tùy theo ở nơi thiện căn công đức của người tu hành.

“Đương niệm tức vô niệm

Niệm tánh vốn tự không

Tâm làm Phật là Phật

Chứng Lý Pháp thân hiện”.

Bây giờ, do chánh định thuộc về Sự nên tâm đứng lặng, do tâm đứng lặng thành ra trí huệ phát. Trí huệ đây gọi là Vô lậu trí huệ hay là Thánh trí phát. Do nơi phát đó mà toàn thể tự tâm bổn tánh hiển hiện. Trong Thiền tông gọi là minh tâm kiến tánh. Lúc đó, đã thấy bổn tánh rồi, mà bổn tánh không phải tánh riêng của một cái gì hết, nó là tánh của tâm mà cũng là tánh của pháp, nói chung là của tất cả pháp. Mà đã là tánh của tất cả pháp rồi thì đương nhiên lúc niệm Phật đó, cái tâm nó trụ ở nơi câu niệm Phật, nơi Sự niệm Phật. Chính ở nơi Sự niệm Phật đó lại tỏ ngộ, thấy là vô niệm. Cho nên biết rằng, thể tánh chân thật của tất cả các pháp, nghĩa là không luận của tâm hay của sắc đều là tánh không tịch cả. Đã không tịch tất nhiên không có một sự gì và cũng không có một tướng gì hết. Cái thể tánh chơn thật nó như vậy. Do đó, mới tùy duyên ra mà có tất cả sự, tất cả pháp. Vì vậy, nên khi tỏ ngộ bổn tâm tự tánh rồi thì thấy cái chánh niệm mình đương niệm đó tức là vô niệm, gọi là “đương niệm tức vô niệm”.

Cái tánh của chánh niệm không phải mình làm cho nó không, bởi vì bổn lai (xưa nay) là không. Cũng như cái tánh của tất cả tâm, cái tánh của tất cả pháp, bổn lai nó là không tịch. Do đó, cho nên sợ rằng người học đạo không biết”cố ý mà dằn ép cái tâm”, phải nhận ra rằng ngay lúc đương niệm tánh nó là không. Lúc đó, thấy cái niệm là không tánh mà cũng rõ biết rằng tánh của niệm bổn lai nó là không. Như vậy, mới thật là thấy cái thật tánh của niệm. Nếu thấy thật tánh của niệm thì thấy thật tánh của các pháp, bởi vì tất cả pháp đều là một tánh mà thôi.

Cho nên, thấy thật tánh của một pháp tất nhiên thấy được thật tánh của tất cả pháp. Nên hai câu kệ mới nói “đương niệm”, chính lúc đương niệm đó không phải bỏ niệm, mà giác ngộ là vô niệm. Giác ngộ vô niệm là chi? Tức là cái niệm tánh không tịch, mà cái niệm tánh không tịch đó là tánh bổn lai của cái niệm, cho nên gọi rằng “niệm tánh vốn tự không”, chớ không phải là nó mới “không” đây, tại vì trước kia mình mê muội, mình theo sự tướng thấy nó thế này, thế kia đủ thứ hết.

Giờ đây, giác ngộ được rồi thì thấy bổn tánh không tịch, bổn tánh không tịch đó là bổn lai từ hồi nào đến giờ nó vẫn không tịch như vậy, chớ không phải mới, không phải do mình tu hành đây rồi mới là không.

Kế đến câu: “Tâm làm Phật là Phật”.

Đồng thời, lúc đó phải giác ngộ cái tâm của mình đây chính là chơn tâm thật tánh của mình. Vì rằng ở trên, hễ giác ngộ ở nơi tâm niệm đó rồi thì thấy rõ bổn tâm của mình làm Phật, và bổn tâm đó chính là Phật. Đó gọi rằng là bổn tâm chân thật. Lúc đó, tất nhiên gọi rằng chi? Là đã chứng nơi Lý tánh, thành tựu Lý tam muội niệm Phật và đồng thời Pháp thân Phật hiện. Ở trên về Sự tam muội, gọi rằng Phật hiện tiền, lúc đó có Phật ở ngoài mình mà hiện ra, rồi mình thấy Phật hiện. Còn giờ đây ngay nơi tâm mình làm Phật là Phật. Nên biết rằng, sự tỏ ngộ đó không phải do trí suy luận mà tỏ ngộ, chính là Hiện lượng chứng trí lúc đó nhận như vậy, thấy như vậy, chứng như vậy chớ không phải là suy luận. Mà đã chứng ngộ bổn tâm mình làm Phật và tức là Phật, vậy Phật và tâm không phải hai, chính tâm là Phật, Phật là tâm. Như vậy, tất nhiên là chứng nơi Pháp thân, gọi là Pháp thân hiện tiền. Lúc đó, Pháp thân Phật hiện, còn ở trên, nơi Sự tam muội mà Phật hiện đó là Phật sự tướng hiện, sắc thân Phật hiện, còn đây là “Pháp thân Phật hiện”. Nếu người được đến đây rồi, khi vãng sanh quyết định ở nơi Thượng phẩm, tức là một vị Đại Bồ tát. Hiện tại, người ấy ở tại đây cũng là một vị Bồ tát. Tầng bậc này đối với Thiền tông gọi là chứng tâm tánh. Sau khi minh tâm kiến tánh rồi, chứng tâm tánh gọi là đại triệt, đại ngộ. Nhưng pháp môn Niệm Phật thì hơn Thiền tông, bởi vì Thiền tông đến khi minh tâm kiến tánh hay là chứng nhập tự tánh rồi, còn cần phải theo một thời gian rèn luyện để dứt trừ những nghiệp chướng phiền não. Còn người niệm Phật thì không như vậy. Bởi vì ngoài sự tỏ ngộ ra, còn có nguyện lực của Phật nhiếp trì, mà đã vào trong nguyện lực của Phật nhiếp trì rồi, tất nhiên chẳng những là chứng ngộ nơi tự Pháp thân mà cũng ở vào nơi Pháp thân của Đức Phật A Mi Đà. Do đó, không luận nghiệp chướng phiền não, sau khi bỏ thân này rồi sanh về Cực Lạc thế giới, được vãng sanh ở Thượng phẩm thì mấy cái đó tự mất. Thế nên, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có nói: “Người được vãng sanh về Thượng phẩm, bậc đó gọi rằng ở vào Sơ địa Bồ tát”. Hiện tiền, sau khi sanh về có thể dùng trí lực và thần thông, hiện thân làm Phật trong 100 thế giới không Phật. Nghĩa là trong những thế giới nào không Phật thì vị Bồ tát có thể hiện thân làm Phật để độ chúng sanh. Nên biết rằng, mỗi thế giới như vậy là có vô số tiểu thế giới hiệp lại, cũng như ta bà thế giới của mình có 1.000 triệu tiểu thế giới hiệp lại, nghĩa là 1.000 triệu thái dương hệ hiệp lại mới thành thế giới ta bà.

Do đó, lúc đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật rồi, thì cái thân hiện ra gọi rằng “thiên bá ức”, nghĩa là 1.000 trăm ức, 1.000 trăm lần ức. Một ngàn trăm ức đó là 1.000 tỷ. 1.000 tỷ thân Phật Thích Ca chớ không phải chỉ một thân Phật Thích Ca. Đó là nói một thế giới, mà đây vị Bồ tát chứng Lý Pháp thân, nghĩa là ở nơi Lý Niệm Phật tam muội thành tựu rồi, vãng sanh về cõi Cực Lạc, trụ nơi bậc Sơ địa có thể dùng thần thông trí huệ hiện thân làm Phật ở trong 100 thế giới không Phật tế độ chúng sanh.

Mình thấy pháp môn Niệm Phật, nếu bắt đầu từ dưới nhìn lên trên, và từ trên nhìn lần xuống dưới, đường đi rành rẽ hết sức phân minh. Và ở nơi đó, mình thấy cũng không đến nỗi quá khó, chỉ khó là mình phải tin, quyết định thực hành, tinh tấn và không giải đãi mà thôi. Khó là có chịu nhất định để tu và quyết định tinh tấn hay không? Chỉ khó nơi đó mà thôi. Theo pháp môn Niệm Phật thì không có gì là khó lắm, không phải như các pháp môn khác. Vì các pháp môn khác do tự lực. Tự lực thành khó, các pháp môn khác tu đến chỗ chứng Lý Pháp thân hiện không phải dễ. Bên Thiền Tông thuộc về Vô tướng tu. Vô tướng tu khó nắm nơi đâu để làm cột trụ, để hạ thủ. Nếu sai một chút thì thuộc về hữu tướng, mà hữu tướng tất nhiên không phải của Thiền tông, sai rồi thì không thành tựu được. Còn như theo Pháp Hoa tông mà tu thì cũng phải tâm chỉ tâm quán, cái đó không phải dễ được. Theo Hoa Nghiêm tông thì thuộc về pháp quán rất khó. Theo như Duy thức tông tu thì phải là Duy thức quán, quán chẳng phải dễ. Đó là nói những pháp môn thuộc về tự lực tu.

Muốn đến được trình độ chứng Lý Pháp thân hiện thì phải ở các Tông thuộc Viên đốn Đại thừa. Nếu ngoài những Tông đó ra mà tu những Tông khác thì không thể đến các tầng đó được. Những Tông vừa kể trên tu chứng đến tầng này khó lắm, bởi thuộc về tự lực. Còn đây, ngoài tự lực, pháp môn Niệm Phật này còn có tha lực, tức là nguyện lực của Phật nhiếp trì. Do đó, có sự dễ dàng hơn, bảo đảm hơn. Huống nữa trong pháp môn Niệm Phật này, nếu mình chỉ được tầng công phu thấp nhất là có sự chuyên niệm được tương ưng với nghĩa “chấp trì”, tất nhiên bảo đảm vãng sanh. Nếu được vãng sanh rồi thì dự vào hàng Thánh, được Bất thối chuyển nơi đạo Vô thượng. Dù rằng đối với các bậc mà được Sự tam muội niệm Phật hay Lý tam muội niệm Phật là còn thấp. Nhưng kỳ thật, khi đã được vãng sanh thì dự vào hàng Thánh, được Bất thối chuyển, nhất là được về thế giới Cực Lạc thì không có các sự khổ về già, bệnh, chết, không có các sự khổ của những cảnh duyên làm mình xao động, hoặc là sự ép buộc ở thời tiết, nhất là những việc ăn, việc mặc, làm mình bận rộn cả ngày đêm. Không có tất cả điều đó tất nhiên rảnh rang tu hành, mà trong khi rảnh rang đó lại có tiếng gió thổi, tiếng chim kêu, tiếng nước chảy đều phát ra tiếng nói pháp hết.

Hơn nữa, nơi Cực Lạc thế giới, như trong kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Mi Đà mà các đạo hữu thường tụng, thì các bậc Nhất sanh Bổ xứ Bồ tát Thượng thiện nhơn là bạn, và người được vãng sanh sẽ ở chung với các bậc đó. Cho nên, trong kinh A Mi Đà có nói: “Những người nào mà nghe nơi đây thì phải phát nguyện, nguyện sanh về Cực Lạc thế giới. Tại sao vậy? Vì đồng với các bậc Thượng thiện nhơn Nhất sanh Bổ xứ Bồ tát câu hội một chỗ, ở chung một chỗ”.

Như vậy thì thấy, mình về bên đó rồi thì cùng ở chung với các bậc Đại Bồ tát như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí và vô số các vị Bồ tát khác. Cung điện của mình ở đây, thì cung điện của các Ngài ở kia, muốn gặp lúc nào cũng được, muốn hỏi han lúc nào cũng tiện. Và hóa thân Phật ở khắp nơi trong thế giới Cực Lạc, không có chỗ nào không có hóa thân Phật hết. Thành ra, muốn thấy Phật lúc nào cũng được, trừ ra những bậc thuộc về Thượng phẩm, chứng Lý Pháp thân. Chừng đó, tất nhiên về thế giới Cực Lạc, mới thấy được Báo thân thật của Phật, còn những bậc dưới thì thấy hóa thân. Hóa thân thì cũng như báo thân, bởi vì sự thuyết pháp độ sanh của Phật thì hóa thân, báo thân gì cũng giống nhau, nhưng cái thân có khác theo trình độ người: thân lớn, thân nhỏ, chỗ đẹp nhiều hay là đẹp ít khác nhau, theo trí lực ở con mắt thấy có sai khác, mà sự giáo hóa vẫn đồng.

Phật bao giờ cũng theo căn cơ mà thuyết pháp. Cho nên, trong kinh A Mi Đà, Phật nói: “Người nào theo kinh này mà thọ trì, tu hành cùng những người đã phát nguyện, đương phát nguyện, sẽ phát nguyện vãng sanh về cõi nước của Đức Phật A Mi Đà, thời những người ấy đều đặng không thối chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Nghĩa là người đó sẽ được vãng sanh và được bảo đảm đi thẳng đến thành Phật. Do đó, thấy căn cơ của mình hiện tại đây, cũng như tất cả mọi người trong thời gian này mà rời pháp môn Niệm Phật, quyết khó bảo đảm giải thoát lắm, đừng nói là bảo đảm thành Phật. Vậy các đạo hữu cũng nên cố gắng tự tu cho tinh tấn và đem pháp môn Niệm Phật chỉ dạy người khác và khuyên bảo người khác nên thực hành như mình!

Hòa thượng Thích Trí Tịnh