PSO – Sáng ngày 01/ 01/ 2019 (nhằm 26/ 11 năm Mậu Tuất), tại chùa Vạn Linh, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang; môn đồ pháp quyến chùa Vạn Đức (TP. Hồ Chí Minh) và Vạn Linh (tỉnh An Giang) tổ chức lễ Húy kỵ lần thứ 66 của đức cố Đại lão Hòa thượng Thượng Thiện hạ Quang “húy Hồng Xứng”, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40, là vị Hòa thượng Khai sơn chùa Vạn Linh.

Quang lâm chứng minh có sự hiện diện của: Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS) GHPGVN; HT. Thích Thiện Đức – Ủy viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Kiểm soát T.Ư; HT. Thích Tôn Quảng – Phó ban kiêm Trưởng ban Từ thiện Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh An Giang, Trưởng Ban Trị sự (BTS) Phật giáo huyện Tịnh Biên cùng chư Tôn đức Tăng, Ni trong và ngoài tỉnh, chính quyền địa phương và hàng trăm Phật tử đồng tham dự.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN 

Tại buổi lễ, HT. Thích Thiện Đức – Ủy viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Kiểm soát T.Ư đã cung tuyên tiểu sử của cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Quang đến toàn thể hội chúng.

HT. Thích Thiện Đức – Ủy viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Kiểm soát T.Ư đã cung tuyên tiểu sử của cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Quang
Toàn cảnh buổi lễ

Hòa thượng Thích Thiện Quang, thế danh là Nguyễn Văn Xứng, sinh năm 1895, tại Vồng Keo, ấp Tân Thuận, xã Tân Bình, huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Chiếu, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Sáng.

Trước khi bước chân vào đạo, Ngài đã tham gia phong trào Thiên Địa Hội là làm Phó Hương quản tại địa phương. Năm 1918, phong trào Thiên Địa Hội bị lộ và Ngài cũng thoát nạn. Thế rồi nhân duyên hội đủ, do căn bệnh khó khăn, có người chỉ bảo, Hòa thượng đến cầu thầy ở Núi Sam, Châu Đốc, Ngài đến núi Kỳ Hương chùa Phi Lai công quả.

Năm 1925 cầu xin xuất gia, đầu Phật với Tổ Phi Lai, được Tổ ban cho húy Hồng Xứng, hiệu Thiện Quang. Sau mùa An cư Kiết hạ năm 1927, Hòa thượng xin Tổ lên Núi Cấm lập thất tịnh tu và được Tổ chấp thuận.

Năm 1941, Phật tử khắp nơi ngưỡng mộ, quy tụ ngày càng đông, do đó Hòa thượng mở rộng am cốc và chùa Vạn Linh được hình thành sau công trình xây dựng lại từ am thất thô sơ ban đầu. Năm 1945, chiến tranh bùng nổ vùng Núi cấm là khu vực mất an ninh

Năm 1946, chính quyền Pháp yêu cầu tất cả dân chúng đều xuống núi, vì Núi Cấm là vùng không an ninh. Năm 1947, sau thời gian chờ đợi sự an ninh được vãn hồi, nhưng không thành, Ngài về Sài Gòn tạm cư tại chùa Linh Bửu, Cầu Bông, Bình Thạnh.

Ngày 20 tháng 11 năm Quý Tỵ (1953), sau khi dự lễ ở nhà Phật tử về, Hòa thượng cảm thấy thân thể khiếm an. Đến ngày 26 tháng 11 năm 1953, sau một câu niệm Phật dài, Ngài an nhiên thu thần viên tịch, trụ thế 59 năm. Nhục thân an táng tại phần đất của Phật tử Nguyễn Thị Tánh, pháp danh: Diệu Tuyết (còn gọi là Bà ba Hộ), Thủ Đức, Gia Định.

Đến năm 1985, Hòa thượng Thiện Thành – Trưởng tử của Hòa thượng đã cung thỉnh nhục thân Ngài về an táng tại chùa Vạn Linh – Núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang nhưng không thành, phải hỏa táng, xá lợi Hòa thượng được tôn thờ tại tháp Phổ Đồng chùa Huệ Nghiêm, thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.

Năm 1993, theo sự chỉ đạo của Hòa thượng Thích Trí Tịnh – chùa Vạn Linh được xây dựng kiên cố cùng với ngôi tháp Tổ đến năm 1998 thì hoàn thành. Ngày 24 tháng 11 năm Mậu Dần (1998), Hòa thượng Thích Trí Tịnh, thứ tử cùng môn đồ pháp quyến long trọng cung thỉnh xá lợi Ngài về nhập tháp tại chùa Vạn Linh. Sau hơn 45 năm hằng mong ước của Tổ cũng như hàng đệ tử đã được toại nguyện.

Trong nghi thức buổi lễ, chư Tôn đức Thiền đức, môn đồ và Phật tử dâng hương tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng. Ngày nay, chùa Vạn Linh một trong những công trình to lớn đánh dấu sự phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo tỉnh An Giang nói riêng. Nơi đây trở thành địa điểm tâm linh, là nơi tu tập của chư Tăng và nơi lễ Phật của khách thập phương trên mọi miền đất nước.

           

Ban biên tập PSO